MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thành Chung

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục

Phạm Đông LDO | 16/04/2022 17:22
Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ

Chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, việc sửa đổi Luật này nhằm khắc phục những bất cập như: Biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình còn chưa cụ thể, chưa bao quát, nhiều biện pháp còn nặng về thủ tục hành chính nên thiếu tính khả thi, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ và những người khuyết tật trong gia đình…

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào cụ thể hóa 3 chính sách, cụ thể:

Chính sách 1: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Trong đó, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ và các thành viên yếu thế khác trong gia đình là đối tượng được ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ. Đồng thời, việc phòng ngừa được thực hiện chủ động thông qua biện pháp phát hiện sớm, xử lý kịp thời vụ việc bạo lực gia đình.

Chính sách 2: Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm phối hợp và cơ quan điều phối liên ngành trong phòng chống bạo lực gia đình.

Chính sách 3: Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó tạo cơ sở pháp lý để huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức xã hội và cá nhân trong cộng đồng dân cư. Chính sách này thể hiện ở các quy định về khuyến khích tham gia phòng chống bạo lực gia đình; tuyên dương, khen thưởng, hỗ trợ; tư vấn, hòa giải; báo tin, tố giác về bạo lực gia đình...

Phiên họp chiều 16.4.

Đảm bảo quyền của đối tượng là phụ nữ, trẻ em

Thẩm tra nội dung này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo, trong quá trình sửa đổi Luật, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi.

Cần ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình. Quan tâm các vấn đề về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng cũng như đặc thù vùng miền, dân tộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa các quy định áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam liên quan đến các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình. Bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình mà chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo quan tâm về khả năng áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn