MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Quân

Củ Chi, Hóc Môn không phải "mâm cỗ mới" cho doanh nghiệp đẩy giá đất

MINH QUÂN LDO | 12/04/2022 20:51

TPHCM - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt của phát triển Củ Chi, Hóc Môn phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Nơi đây không phải là "mâm cỗ mới" dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội đẩy giá nhà đất.

Phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm

Ngày 12.4, UBND TPHCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai huyện Hóc Môn và Củ Chi có nhiều lợi thế phát triển, là vùng đệm của TPHCM với các vùng kinh tế phía Nam, hướng về sông Sài Gòn. Quy mô dân số của 2 huyện tương đương với Thành phố Đà Nẵng. “Có thể nói Hóc Môn và Củ Chi được ví như con rồng đang ngủ bên cạnh với phần phát triển năng động còn lại của TPHCM” – Chủ tịch nước nói.

Mặc dù TPHCM đóng góp 1/3 ngân sách cả nước nhưng 2 huyện vẫn phát triển ở mức thấp, như huyện Củ Chi thu ngân sách chỉ trên 1.000 tỉ đồng mỗi năm.

Theo Chủ tịch nước, phát triển Hóc Môn và Củ Chi cũng là giúp TPHCM giải bài toán mở rộng không gian phát triển cân bằng, thu hút nguồn lực, nhất là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… Qua đó, giải tỏa những áp lực về dân số, hạ tầng, nhà ở, công ăn việc làm; mở rộng không gian sinh tồn, phát triển đô thị khi “chiếc áo” TPHCM đã quá chật chội.

Chủ tịch nước tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp của huyện Hóc Môn và Củ Chi. Ảnh: Minh Quân

Một vấn đề được Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý là phát triển Hóc Môn, Củ Chi bền vững, lâu dài chứ không phải sai lầm do thiếu kinh nghiệm. Do đó, nguyên tắc xuyên suốt của phát triển Củ Chi, Hóc Môn phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững.

“Củ Chi, Hóc Môn không phải là mâm cỗ mới dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội đẩy giá nhà đất. Chúng ta mong muốn thu hút người giàu, người giỏi đến đây để tạo ra nhiều việc làm, người dân nơi đây được sống trong những điều kiện tốt hơn, nhiều tiện ích ngang tầm với các quận trung tâm, tiếp cận các điều kiện về nhà ở, trường học phù hợp” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhanh chóng tháo “nút thắt” về giao thông

Nhấn mạnh "nút thắt" đang kiềm chế sự phát triển Hóc Môn, Củ Chi là hệ thống giao thông, Chủ tịch nước yêu cầu đẩy mạnh đầu tư đường bộ, đường cao tốc, đường thủy, đường sắt đô thị trên địa bàn.

“Cần nhanh chóng xắn tay tháo gỡ những nút thắt về cơ chế chính sách để huy động nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch như cao tốc TPHCM – Mộc Bài, đường Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến đường ven sông Sài Gòn để kết nối Củ Chi, Hóc Môn với trung tâm, sân bay, cảng biển” – Chủ tịch nước nói.

Để hấp dẫn các nhà đầu tư, Chủ tịch nước yêu cầu hai huyện tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng.

Chủ tịch nước yêu cầu thúc đẩy tiến độ xây dựng Khu đô thị Tây Bắc để làm hạt nhân với đô thị bền vững, tạo ra sức lan tỏa kinh tế. “Khu đô thị Tây Bắc quy mô lớn nhưng công trình nào cũng dở dang. Anh nào đã ký kết rồi thì phải làm tới nơi, tới chốn. Anh nào không làm thì phải thu hồi, không để kéo dài nhiều năm” – Chủ tịch nước yêu cầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã vận động các doanh nghiệp và nhà đầu tư ủng hộ 1.000 căn nhà cho gia đình chính sách và người nghèo tại hai huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Bên cạnh các chính sách về kinh tế, Chủ tịch nước yêu cầu hai huyện Hóc Môn, Củ Chi quan tâm vấn đề dân sinh, thực hiện tốt các chính sách phúc lợi xã hội. Trong đó, quan tâm đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết, ghi nhớ đầu tư. Sau ký kết hôm nay, nhà đầu tư cần sớm triển khai nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư. “Không ký rồi để đó. Đại biểu Quốc hội sẽ giám sát và nêu ra trước Quốc hội những đơn vị nào ký mà không thực hiện, bội tín” – Chủ tịch nước nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn