MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi trong cuộc họp báo về hiệp định TPP bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, ngày 11.11. Ảnh: A.C

Cú đột phá chiến lược, động lực mạnh cho các bước tiếp theo

NGUYỆT MINH (tổng hợp) LDO | 15/11/2017 09:17
TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN - khi trả lời báo chí đã bình luận như vậy về thỏa thuận Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt được bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 bởi 11 nước thành viên. 

Còn chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh đánh giá: CPTPP là thành tựu đáng trân trọng, ghi nhận nỗ lực của 11 thành viên đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt thỏa thuận chung. Tuy nhiên, khá nhiều câu hỏi đã và đang được đặt ra xung quanh sự kiện nóng hổi này: Vậy thì CPTPP và TPP có gì khác nhau? CPTPP hay TPP mang lại lợi ích nhiều hơn cho VN? Việc một đối tác kinh tế lớn của VN là Hoa Kỳ rút khỏi TPP thì 10 nước còn lại có còn nặng ký với VN, chuẩn bị vào sân chơi chung CPTPP, VN phải làm gì ngay từ bây giờ…?

Hiểu thế nào về 2 từ “toàn diện” và “tiến bộ”?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi trả lời báo chí ngày 11.11 tại TP.Đà Nẵng đã cho rằng, tính chất và chất lượng của CPTPP thể hiện qua hai từ bổ sung (so với TPP) là “toàn diện” và “tiến bộ”. Chỉ với hai từ này thôi nhưng nó là quy tụ sự thống nhất, mục tiêu hướng tới và nhấn mạnh của tất cả các bộ trưởng TPP -11. Đó cũng là mục tiêu chung cho tính bao trùm của hiệp định.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dù là TPP hay CPTPP, bao giờ cơ hội và thách thức cũng song hành, gần như không có gì khác biệt. “Giống như TPP, CPTPP cũng là một hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi phải thực hiện cải cách, đổi mới trong quan điểm cũng như pháp lý, thể chế, hành chính”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - phân tích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng tán đồng với nhận định này khi họ cho rằng, CPTPP có ý nghĩa lớn về cải cách thể chế hơn là hướng đến lĩnh vực thương mại, đầu tư. Có thể trước mắt, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn quan tâm tới lợi ích thương mại, đầu tư hơn là cải cách thể chế.

Tuy nhiên, cũng đã có DN nhìn xa hơn khi họ tin rằng với việc gia nhập CPTPP, các cơ quan quản lý nhà nước của VN sẽ phải chịu các sức ép từ bên ngoài để nhanh chóng thay đổi tư duy quản lý, thực sự trở thành một chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và DN.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh luận giải rằng, chính những tiêu chuẩn cao trong CPTPP sẽ tạo ra động lực cho phát triển chung vì một nền kinh tế, một xã hội ngày càng mở cửa. Mặt khác, khi đã đạt được những tiêu chuẩn cao về thể chế, quản lý nhà nước, pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng… sẽ mang lại động lực tích cực để phát triển.

VN cần tận dụng tốt bước chạy đà này để vượt lên

TS Trần Đình Thiên đã đưa ra lời khuyên như vậy. Mặc dù còn một số vấn đề kỹ thuật cần bàn thảo thêm trước khi ký chính thức CPTPP, nhưng ngay từ lúc này các nhà quản lý, các DN VN cần chủ động nắm bắt cơ hội để không bị động. Về những cái “được” khi tham gia CPTPP, ngoài sự tác động về thể chế (như đã nói ở trên), thì dưới góc độ thương mại, đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ: Mặc dù đối tác thương mại lớn nhất của VN là Mỹ rút lui khỏi TPP nhưng 10 nền kinh tế còn lại cũng không phải là nhỏ với VN.

TS Lê Đăng Doanh phân tích: Thành viên lớn nhất trong CPTPP là Nhật Bản hiện đang có mối quan hệ tốt, bổ sung với VN và các thị trường còn lại cũng rất tiềm năng nếu DN chịu khó khai thác. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, tài chính TS Cấn Văn Lực khẳng định, VN vẫn sẽ hưởng lợi nhiều từ CPTPP bởi những tác động tích cực của nó đối với hoạt động thương mại và đầu tư.

Một số DN cũng tin tưởng là khi gia nhập CPTPP, VN sẽ phát triển nhanh hơn trong cơ chế thị trường, từ đó có thể không vướng vào các lực cản thương mại do một số nước chưa công nhận nền kinh tế thị trường của VN áp đặt. Một số lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh của VN chắc chắn cũng sẽ được hưởng lợi khi thuế suất giảm và các rào cản thương mại bị hạn chế.

Tuy nhiên, khó khăn không phải không có. Trên bình diện vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, trong quá trình đàm phán có những điều chúng ta phải chấp nhận, nhất là những cải cách động chạm đến lợi ích và quan điểm cũ. Bộ trưởng ví dụ mở cửa thị trường là vấn đề tương đối nhạy cảm trong khi năng lực của một số ngành còn rất yếu, có thể phải trả giá khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

Thực tế hơn, giới DN cũng đã nhận ra ngay mặt hàng nào sẽ cạnh tranh khó khăn. Ví như thủy sản, các DN sẽ không trông chờ nhiều ở việc giảm thuế suất vì nhiều dòng thuế hiện đã rất thấp, thậm chí là 0%. PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi (ĐH Nông lâm TPHCM) cũng phân tích nhiều mặt hàng sẽ cạnh tranh quyết liệt, trong đó, có nông sản.

Nhiều trường hợp sẽ thất bại ngay trên sân nhà như bò sữa - sẽ không có khả năng cạnh tranh với sữa Úc và New Zealand. Ông cảnh báo nông nghiệp VN sẽ đảo lộn hoàn toàn khi CPTPP có hiệu lực nên cần phải cấu trúc lại toàn bộ và ngày đó sẽ đến rất nhanh.

Nhìn nhận tổng thể, TS Trần Đình Thiên khuyến nghị: Thách thức lúc nào cũng có, thậm chí sau khi đàm phán thành công, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa. Đàm phán xong mới cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế. Mà đó mới chính là thứ ta yếu và thiếu nhiều nhất!

- Khi Hoa Kỳ một quốc gia có sức nặng kinh tế với vai trò của mình rút ra khỏi TPP cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia. Để đạt được điểm cân bằng mới với những lợi ích, nghĩa vụ và cam kết của mình, trong tất cả các vòng đàm phán thời gian qua, các trưởng đoàn đàm phán theo chỉ đạo của các bộ trưởng đã có những cách tiếp cận rất thực tiễn nhưng vẫn duy trì được một hiệp định chất lượng cao, vẫn đảm bảo mục tiêu ban đầu...
Bốn vòng đàm phán của cấp trưởng đoàn đàm phán tại các thời gian địa điểm khác nhau đã phản ánh đầy đủ các khó khăn này. Tuy nhiên, với quan điểm xây dựng của các bộ trưởng TPP, Chính phủ của các nước đã giúp đi đến đạt được các thỏa thuận rất quan trọng cốt lõi của Hiệp định TPP 11, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của TPP 12 chất lượng cao. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia trong TPP 11 có những điểm cân bằng mới.

(Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh)

- Với cú đột phá này, lòng tin vào xu thế toàn cầu hóa với nội dung cốt lõi là liên kết và hợp tác phát triển được khẳng định… Việc duy trì gắn kết 11 nền kinh tế vào một hiệp định phát triển ở trình độ cao nhất trong điều kiện Mỹ - một trụ cột đặc biệt quan trọng - rút khỏi TPP có giá trị như một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại - rằng xu thế liên kết phát triển ở trình độ cao nhất sẽ mang lại những lợi ích to lớn không thể thay thế…

(TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn