MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cử tri Cần Thơ kiến nghị công tác quy hoạch cán bộ, bức xúc nạn "cát tặc"

Thành Nhân LDO | 23/06/2020 23:14
Tại buổi tiếp xúc cử tri chiều ngày 23.6, cử tri Võ Trọng Hữu đề xuất cần xem xét thêm trong quy hoạch lựa chọn cán bộ cần thăm dò ý kiến trong dân.

Chiều ngày 23.6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại quận Ô Môn.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phương đã thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ báo cáo về hoạt động của Đoàn Đại biểu quốc hội TP.Cần Thơ và hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thành Nhân

Cử tri Võ Trọng Hữu hoan nghênh việc Quốc hội thông qua cấm hoạt động dịch vụ đòi nợ. Ông Hữu đề xuất, Trung ương nên cần xem xét thêm, trong quy hoạch, lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân sự cho cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với các cấp… nên thăm dò ý kiến trong dân.

“Mặc dù chúng ta quy hoạch cán bộ qua các bước các khâu hằng năm có thăm dò và đồng thời cán bộ có kê khai tài sản, hằng năm có bổ sung. Nhưng chỉ làm trong nội bộ. Đảng chúng ta biết, cấp ủy chúng ta biết, dân chưa biết. Tôi đề nghị và đề xuất với Trung Ương, với Bộ Chính trị với Tổng Bí Thư, Chủ tịch Quốc hội,... cán bộ được quy hoạch vào cấp ủy, quy hoạch bầu vào Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải được đưa ra nơi cư trú tham khảo ý kiến của dân về đức, về tài, thái độ, tinh thần trách nhiệm với dân… Làm được như thế thì như dân cùng Đảng, Đảng cùng dân lựa chọn cán bộ, lựa chọn đại biểu theo mong muốn của Đảng và của dân”, cử tri Võ Văn Hữu nói.

Cử tri ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Thành Nhân

Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề nhân sự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin: “Đại biểu Quốc hội hay Đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu là đã hiệp thương 2, 3 lần. Hiện nay nhân dân nơi cư trú đều giám sát chúng tôi. Một năm theo nghị quyết 176, mỗi lần có việc gì thì cấp ủy ở chỗ đó lấy ý kiến nhân dân ở đó xem gia đình đó chấp hành tốt nghĩa vụ công dân hay không, quan hệ với quần chúng như thế nào… Nói chung là nhân dân giám sát rất chặt chẽ. Còn những trường hợp phân công trong nội bộ cán bộ Đảng thì bao giờ cũng có xem xét dư luận địa phương đó có vấn đề gì hay không. Dư luận là qua cử tri. Cử tri phản ảnh qua cấp ủy. Cấp ủy nắm tình hình cán bộ. Nói chung là lúc nào nhân dân cũng giám sát. Còn ý kiến bổ sung quy trình này thì sẽ tiếp thu nghiên cứu”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cử tri Hồ Quốc Quang cho rằng ĐBSCL bị sạt lở nghiêm trọng không nên chỉ đổ cho thiên tai mà còn do khai thác cát vô tội vạ. Ông Quang cho rằng, Công an cần có một lực lượng xử lý "cát tặc" không phân biệt địa giới hành chính tỉnh để mạnh tay và nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng này. Cử tri Quang cũng kiến nghị Chính phủ đầu tư một trường Đại học chuyên về nông nghiệp, thủy sản cho vùng ĐBSCL.

“Tôi đề xuất xây dựng một trường đại học nông nghiệp, thủy sản để đào tạo nguồn nhân lực có ĐBSCL và Việt Nam. Tôi nghĩ các khoa của các trường đại học chưa ngang tầm”, cử tri Quang đề xuất.

Trả lời cử tri Hồ Quốc Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng mặc dù chúng ta chưa có một trường đại học nông nghiệp, thủy sản riêng cho vùng ĐBSCL nhưng Trường Đại học Cần Thơ có những khoa nông nghiệp, thủy sản được thế giới xếp hạng từ 250 đến 300. Trong tương lai khi phát triển đến mức độ nào đó thì có thể chúng ta sẽ có một trường nông nghiệp, thủy sản riêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn