MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo. Ảnh Quochoi.vn

Cử tri hỏi vì sao Bộ GDĐT chậm biên soạn một bộ sách giáo khoa?

Vương Trần LDO | 16/05/2020 18:03

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện nêu ý kiến cử tri về việc hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hoàn thành được việc biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK).

Bộ GDĐT chưa thực hiện biên soạn được một bộ SGK

Chiều 16.5, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 45, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo Việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo nhiều nội dung về việc thực hiện nghị quyết này trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đó là việc tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, và 7 sách giáo khoa môn học tự chọn do các nhà xuất bản tổ chức biên soạn, đánh dấu sự thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Liên quan tới nội dung, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa được giao trong Nghị quyết 88, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nội dung này vẫn chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, trong đó nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa, tới thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng” – ông Nhạ nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh Quochoi.vn

Nêu ý kiến về việc này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, trong khi nghiên cứu thì các ý kiến luôn nhấn mạnh ý Bộ Giáo dục và Đào tạo có một bộ SGK như một “cái phao” khi có vấn đề gì xảy ra thì chúng ta luôn có một bộ sách. Tuy nhiên cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thực hiện được bộ sách đó do những lý do từ thực tiễn khách quan.

“Cử tri hỏi, “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”, tại sao lại chưa thực hiện được việc biên soạn được bộ sách giáo khoa này.

Như vậy, khi báo cáo vấn đề này ra Quốc hội thì cần có những số liệu rõ ràng về việc tiêu chí, tiêu chuẩn chọn tác giả, các nguyên nhân chưa thực hiện được bộ sách này” – bà Hải nói và cho rằng, tới đây trong thời gian thích hợp nên có một bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cần phải kiểm soát giá sách giáo khoa sao cho phù hợp

Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện, trên thực tế việc thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa cũng rất tốt tuy nhiên cũng phát sinh một số vấn đề. Như hiện nay giá sách giáo khoa tăng lên 2,3 lần so với trước kia. Cần có lộ trình để bình ổn giá sách khoa đặc biệt quan tâm tới các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa.

Cùng nêu ý kiến về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, chúng ta cần phải kiểm soát giá sách giáo khoa sao cho phù hợp, đảm bảo với đời sống người dân.

“Có những gia đình 4, 5 học sinh đi học. Rồi việc kiểm soát làm sao với những gia đình khó khăn, gia đình người có công. Cần có lộ trình cụ thể với giá sách giáo khoa” – ông Phúc nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bây giờ chúng ta đang thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa nhưng có một bộ sách giáo khoa do nhà nước biên soạn thì cũng rất tốt. Đồng thời, với việc sách giáo khoa tăng giá thì Chính phủ cũng cần phải xem xét. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn