MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cử tri đề nghị nâng bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo bác sĩ. Ảnh: Hải Nguyễn

Cử tri kiến nghị tăng bậc lương khởi điểm đối với lực lượng bác sĩ

Vương Trần LDO | 13/08/2023 17:32

Cử tri nêu kiến nghị tới Bộ Nội vụ về việc có quy định điều chỉnh đối tượng bác sĩ ngành Y được hưởng bậc lương khởi điểm là 2,67 (tương đương bậc 2) để phù hợp với thời gian đào tạo và thời gian thực hành.

Bộ Nội vụ vừa có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị liên quan tới chính sách tiền lương với đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ.

Cụ thể, cử tri tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến: Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh và nâng bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo cho cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ.

Lý giải cho ý kiến này, cử tri tỉnh Quảng Trị cho rằng, thời gian đào tạo đối với bác sĩ là 6 năm và thêm 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1 (2,34).

"Đề nghị Bộ có quy định điều chỉnh đối tượng bác sĩ ngành Y được hưởng bậc lương khởi điểm là 2,67 (tương đương bậc 2) để phù hợp với thời gian đào tạo và thời gian thực hành của đối tượng trên” - cử tri tỉnh Quảng Trị nêu kiến nghị.

Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có quy định xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, viên chức y tế là bác sĩ nói riêng).

Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp.

Trong thời gian chưa thực hiện tổng thể cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, để giảm bớt khó khăn trong đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14.5.2023 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1.7.2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Bộ Nội vụ cũng cho biết, cơ quan này tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có việc xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và bác sĩ nói riêng, đảm bảo tương quan giữa các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước) phù hợp với Nghị quyết số 27- NQ/TW trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Trao đổi với Lao Động ngày 13.8, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội - phân tích, ngành y có thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành khác. Do vậy, cần thiết phải tính toán, thiết kế lại bảng lương cho phù hợp với quá trình đào tạo, quá trình cống hiến.

Dẫn chứng từ dịch bệnh COVID-19, ông Lợi nhấn mạnh, y tế là ngành chăm lo sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ tính mạng con người. Đặc biệt là khi có dịch bệnh xảy ra, các bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế phải bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng đến bất kỳ điểm nóng nào để giành lại sự sống và tính mạng con người, bảo vệ đời sống nhân dân.

"Để nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe của người dân, đảm bảo hệ thống đó thực sự bền bỉ, có căn cơ lâu dài, vấn đề cải cách, đổi mới cơ chế tài chính y tế, sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân là việc cần được tính tới" - TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn