MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cử tri phường Lý Thái Tổ xem danh sách và kiểm tra lại thông tin cá nhân. Ảnh: P.Đ

Cử tri thể hiện trách nhiệm chính trị của mình với đất nước

Phạm Đông LDO | 15/05/2021 09:30
Chủ nhật ngày 23.5 là ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân. Do đó, mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước.

Tránh bầu đại khái

Trao đổi với Lao Động về việc tuyên truyền các quy định về bầu cử cho cử tri trên địa bàn, ông Vũ Đức Ngọc Luyện - Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) - cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác chuẩn bị bầu cử được thành phố đặc biệt quan tâm, bám sát kế hoạch, đúng thời gian, trình tự theo quy định. Công tác tuyên truyền được thực hiện khá tốt với những hình ảnh trực quan, sử dụng phương tiện gắn pano, áp phích đi trên các tuyến phố để tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng cuộc bầu cử.

Bên cạnh việc kiểm tra thông tin cá nhân của mình, cử tri địa phương đã nghiên cứu rất kỹ tiểu sử của các ứng viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Đồng thời trước khi bầu, cử tri sẽ nghiên cứu kỹ những người mình bầu và không bầu, tránh bầu-gạch theo cảm tính.

Theo ông Luyện, khi có danh sách niêm yết các ứng cử viên, địa phương đã tuyên truyền trực tiếp, qua hội nhóm, qua buổi sinh hoạt tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ để cử tri hiểu rõ hơn quá trình hoạt động, công tác của các ứng viên. Từ đó giúp nhân dân tự mình đi bỏ phiếu, đặc biệt trong ngày thực hiện quyền của mình sẽ sáng suốt lựa chọn những đại biểu có đức, có tài trúng cử.

Việc lựa chọn đại biểu phải được nghiên cứu, tính toán cẩn thận chứ không được gạch theo cảm tính hay đi bầu cho có. Nhân dân cũng cần hiểu rõ, những đại biểu ưu tú do mình chọn ra chính là những cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền, phản ánh nguyện vọng của nhân dân.

Ông Luyến cho rằng, với ngày hội lớn của toàn dân, cử tri phải đi bầu 100%, phải bầu trúng, bầu đúng. Chính quyền địa phương sẽ tổ chức để người dân không chỉ nâng cao ý thức trách nhiệm mà phải hiểu rõ từng ứng viên trước khi gạch ai, bầu ai. Trong đó, rất nhiều vấn đề cử tri phải nghiên cứu khi bầu đó là trích ngang hồ sơ, lý lịch, quá trình công tác của các ứng viên… Từ đó mới giúp cho tất cả cử tri đi thực hiện quyền công dân của mình.

“Tổ dân phố, chính quyền địa phương đã tuyên truyền để cử tri sắp xếp công việc của cơ quan, gia đình, tự mình đi bầu cử, tự viết phiếu bầu và bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu thay khi mình có đủ điều kiện đi bầu cử. Cử tri phải đọc kỹ các thông tin về tiểu sử của các ứng cử viên và nhắc nhở mình hãy sáng suốt bỏ phiếu để lựa chọn đại biểu của mình. Trước hết, mỗi người cần tuân thủ theo nội quy phòng bỏ phiếu, ghi nhớ hướng dẫn của Tổ bầu cử, tránh sai sót khi bầu. Khắc phục các hiện tượng qua loa, đại khái, bầu cho qua chuyện, không xem xét kỹ lưỡng trước khi bầu” - ông Luyến cho hay.

Theo ông Luyến, mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước.

Không để cử tri bầu thay, bầu hộ

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, ở nước ta, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho mọi công dân thực hiện quyền bầu cử của mình. Trong đó, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín là 4 nguyên tắc cơ bản, đã được luật hóa thành những luật định quan trọng trong quá trình chuẩn bị bầu cử ở nước ta.

Mỗi cử tri chỉ được một lá phiếu và bầu một nơi chứ không được bầu nhiều nơi. Mọi lá phiếu đều có giá trị như nhau, không phân biệt lá phiếu của người có địa vị cao hay địa vị thấp. Đặc biệt, cử tri được trực tiếp bỏ phiếu vào thùng phiếu mà không qua người trung gian, cử tri cũng trực tiếp lựa chọn người mình bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu hộ, không bầu bằng cách thức gửi thư.

Theo ông Túc, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử là rất quan trọng. Dù trong ngày bầu cử, việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục nhưng có thể sắp xếp và vận động cử tri theo từng Tổ dân phố, từng xóm đi bỏ phiếu lần lượt theo từng thời gian để tránh tình trạng tập trung quá đông người.

Đặc biệt, cần tuyên truyền vận động để cử tri tích cực tham gia bầu cử; đồng thời phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri; Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.

Ông Túc cho rằng, để ngăn chặn tình trạng bầu thay, bầu hộ thì tổ bầu cử, đơn vị phụ trách tuyên truyền phải tổ chức họp, quán triệt cụ thể tới các bí thư chi bộ, tổ dân phố và các đoàn thể để họ đôn đốc cử tri của mình thực hiện nghiêm túc.

“Trong bối cảnh cuộc bầu cử có dịch COVID-19, đặc biệt là ở vùng nông thôn sẽ rất dễ xảy ra tình trạng bầu thay, bầu hộ. Do đó, những thành viên trong tổ bầu cử phải đặc biệt lưu ý vấn đề này khi cử tri xuất trình thẻ cử tri để nhận phiếu bầu cử. Cử tri cũng cần đặc biệt lưu ý phải đi bầu đúng thời gian và trực tiếp đi bầu, những người nào ốm yếu những người đi xa thì phải báo cho chính quyền địa phương để lựa chọn hình thức, địa điểm bầu cho phù hợp” - ông Túc nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn