MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh lan truyền sai sự thật về mưa lũ tại miền Trung trong thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình

Cung cấp thông tin chính thống kịp thời, "dẹp" tin giả, tin thất thiệt

VƯƠNG TRẦN LDO | 16/12/2020 16:07

Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều tin đồn, tin giả, nhiều thông tin thất thiệt dẫn tới những nhiều ý kiến trái chiều, nhiều phản ứng kích động gây nhiều hệ luỵ tiêu cực.

Để tin đồn thất thiệt, tin giả, tin xấu độc không còn đất sống, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng đưa ra thông điệp rõ ràng, thông tin chính xác, đồng thời xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt.

Tung tin đồn, xuyên tạc gây nhiễu loạn thông tin trên mạng

Cuối tháng 10.2020 vừa qua, giữa lúc cả nước chung tay chia sẻ thiệt hại, đau thương cùng đồng bào miền Trung, thì có không ít người lợi dụng lòng trắc ẩn và sự quan tâm của cộng đồng để tung tin thất thiệt.

Khi miền Trung vừa phải đối mặt tới tình hình thiên tai biến đổi dị thường, liên tiếp phải đối mặt với những cơn bão thì trên mạng xã hội lại cũng xuất hiện thông tin siêu bão cấp 17 đổ bộ vào miền Trung được chia sẻ chóng mặt trên mạng khiến nhiều người dân hoang mang. Ngay sau đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đã đưa ra thông báo khẳng định đây là tin giả.

Lợi dụng tình hình thiên tai, lũ lụt, một số đối tượng, thế lực thù địch, chống phá cũng đã đưa ra những quan điểm sai trái, phủ nhận những nỗ lực trong công tác cứu hộ, cứu trợ đồng bào của Chính phủ.

Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, bên cạnh việc chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, Chính phủ cũng đã chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp 500 tỉ đồng và 5.000 tấn gạo cho 5 tỉnh bị ảnh hưởng.

Thế nhưng, những thế lực chống phá tiếp tục phủ nhận mọi nỗ lực đó, chê trách Chính phủ và các cá nhân lãnh đạo Chính phủ, địa phương và lực lượng vũ trang tham gia ứng cứu đồng thời vu cáo rằng, Đảng, Nhà nước chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, ứng cứu chậm trễ, thậm chí còn bỏ mặc người dân trong lũ lụt.

Ở một khía cạnh khác, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế Châu Á được dự báo tăng trưởng dương nhờ nỗ lực của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Thế nhưng, các thế lực thù địch và không ít đối tượng thiếu thiện cảm với đất nước lại đưa ra những hình ảnh suy diễn, quy kết về một tình cảnh "lâm nguy", "hiểm nghèo" của đất nước mà nguyên nhân là từ trách nhiệm và sự yếu kém của đội ngũ cán bộ được giao trọng trách phòng chống đại dịch.

Có thể thấy, những thông tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt xuất hiện này gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có những thông tin đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, các thông tin giả sau khi xuất hiện thường được phát tán nhanh gấp nhiều lần so với khả năng ngăn chặn và xử lý chúng.

Cung cấp thông tin kịp thời, dẹp tin đồn thất thiệt

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội truyền đi một cách nhanh chóng thì việc xác định, thẩm định thông tin thật giả là điều rất quan trọng.

Điểm lại một số vụ việc tin đồn gây ảnh hưởng, đặc biệt những thông tin tin đồn liên quan tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông tin chính khách trong thời gian qua gây xôn xao dư luận, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay cách tốt nhất để dập tắt tin đồn đó là “đưa ra thông tin chính thức, thông tin chính thống”. Các cơ quan chức năng cần xác định đó là nhiệm vụ cũng là trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí để đưa thông tin, phản ánh đến bạn đọc, đây là điều rất cần thiết.

“Có hai điều cần phải lưu ý, đó là cần minh bạch thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng và rõ ràng để tránh xuất hiện tin đồn thất thiệt. Trong phạm vi thông tin được công bố, chúng ta cần phải làm ngay. Thứ hai đó là cần phải xử lý nghiêm những phần tử làm lộ, lọt thông tin, những thông tin thất thiệt gây hoang mang trong dư luận” – Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, chúng ta đã có Luật An ninh mạng và nhiều bộ luật liên quan tới việc xử lý những hành vi vi phạm trên không gian mạng, trên mạng xã hội. Với những hành vi đăng tải, phát tán tin giả, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội… thì bộ phận giám sát và cơ quan chức năng cần phải làm rõ tính chất, mức độ vi phạm để có xử lý nghiêm, răn đe, phòng ngừa người khác. Với việc đăng tải, lan truyền thông tin cơ quan chức năng cũng cần phải xác định đâu là nguồn đăng, đâu là những người chia sẻ, hành vi nào là cố ý, hành vi nào là vô ý để có biện pháp xử lý cho phù hợp.

Nhanh chóng cung cấp thông tin chính thống, kịp thời dập tắt những tin đồn cũng là một trong những giải pháp được nêu ra trong bài viết: “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam” của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.

Bài viết nêu rõ: “Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn