MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cùng làm đường vành đai, tại sao Hà Nội đầu tư PPP, TPHCM lại đầu tư công?

Nhóm PV LDO | 06/06/2022 12:34

Đường Vành đai 4 - vùng thủ đô được nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), còn Vành đai 3 - TPHCM mặc dù có lưu lượng xe lớn hơn lưu lượng xe đường Vành đai 4 nhưng lại đầu tư theo hình thức đầu tư công. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ vấn đề này.

Triển khai các dự án giao thông vào 2 "điểm nghẽn" về hạ tầng là rất cần thiết

Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, dự án vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. 

Theo ông Đinh Tiến Dũng, dự án vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7km).

Từ những số liệu này, Bí thư Hà Nội cho rằng, việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý. Trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

"Giải phóng mặt bằng luôn là khó nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ, gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý.

Dự án Vành đai 4 – vùng thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha. Thành phố Hà Nội là 741ha, chủ yếu đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường", ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi 

Một trong những cơ chế, chính sách chung của dự án là đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 – 2023)...

Tuy nhiên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023 là không phù hợp về thời gian. Bởi hiện đã qua 6 tháng đầu năm 2022, rồi Quốc hội còn thảo luận để thông qua.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án Vành đai 4 giúp đột phá cả về cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện tại, cơ sở hạ tầng lại là "điểm nghẽn" yếu nhất của cả Hà Nội và TPHCM.

"Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới, trước hết là hệ thống đường cao tốc. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta. 

Đáng chú ý, "điểm nghẽn" lớn nhất về giao thông lại nằm ở TPHCM và Hà Nội, những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Do đó, triển khai các dự án vào 2 điểm nghẽn này là rất cần thiết", ông Lộc cho hay.

Đề nghị làm rõ cùng là đường vành đai, ở Hà Nội đầu tư PPP, còn TPHCM đầu tư công

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) dùng từ "khổng lồ" để nói về các dự án giao thông trong thời gian vừa qua. Ngoài tuyến đường Bắc - Nam , đường Hồ Chí Minh còn có các dự án đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua.

"Với khối lượng các công trình giao thông lớn như vậy, nếu không có sự nỗ lực lớn, quyết tâm lớn thì e rằng lại chậm tiến độ", ông Thắng nói. 

Đại biểu Trần Văn Tiến - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đối với đường Vành đai 4 - vùng thủ đô, quy hoạch quy mô 6 làn xe; dự kiến đầu tư giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe cao tốc, hạn chế với mặt cắt ngang 17m, cùng với các nút giao khác mức kết nối với các tuyến đường hiện hữu.

Với đường Vành đai 3 - TPHCM, quy hoạch quy mô 6-8 làn xe; dự kiến đầu tư giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế với mặt cắt ngang 19,75m, cùng với các nút giao khác mức kết nối với các tuyến đường hiện hữu.

Vị Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tại sao cùng là quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, nhưng mặt cắt ngang giữa 2 đường vành đai lại rất khác nhau?

Đại biểu Trần Văn Tiến. Ảnh: Quochoi 

Bên cạnh đó, đường Vành đai 4 - vùng thủ đô được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), còn Vành đai 3 - TPHCM đầu tư theo hình thức đầu tư công. Ông Tiến đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ tại sao đường vành đai 4 - vùng thủ đô với lưu lượng xe khoảng 43.000 - 66.000 xe/ngày đêm lại lựa chọn đầu tư theo phương thức PPP.

Còn đường vành đai 3 - TPHCM có lưu lượng xe khoảng 51.700 - 74.300 xe/ngày đêm, lớn hơn lưu lượng xe đường vành đai 4 - vùng thủ đô lại lựa chọn hình thức đầu tư công. Đồng thời cần so sánh hiệu quả giữa đầu tư theo phương thức đối tác công tư với đầu tư công trước khi quyết định chủ trương đầu tư", đại biểu cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích về thắc mắc của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi 

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sở dĩ đường Vành đai 3 không làm PPP vì vấn đề giải phóng mặt bằng ở những khu vực đường vành đai đi qua là "gánh nặng" rất lớn. Nếu làm PPP riêng, giải phóng mặt bằng ít nhất phải bỏ ra 75.314 tỉ đồng.

Như vậy, nếu vẫn đưa vào đầu tư thì vốn ngân sách Nhà nước "đội" hơn 80% tổng mức đầu tư. Và áp theo Luật PPP thì khi không phù hợp, bởi luật này quy định vốn ngân sách không được vượt quá 50%. "Chính vì vậy, nếu vốn ngân sách đã lên tới 80%, nên làm đầu tư công", ông Dũng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn