MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: PV

Cưỡng ép mang thai, phá thai, chọn giới tính là hành vi bạo lực gia đình

NHÓM PV LDO | 14/06/2022 17:30

Để đảm bảo khoa học, chặt chẽ, đại biểu Quốc hội đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng cưỡng ép mang thai, phá thai, chọn giới tính thai nhi là bạo lực gia đình.

Chiều 14.6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Về ý kiến cho rằng việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, điều này đúng tuy nhiên chưa đủ và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, sự tiến bộ của xã hội.

Đối với 18 nội dung dự thảo quy định về hành vi bạo lực gia đình, nữ đại biểu đề nghị Ban soạn thảo thảo cân nhắc xem xét, phân loại theo nhóm, tính chất, mức độ hành vi, để làm cơ sở xây dựng quy định, chế tài tương ứng với các điều khoản tiếp theo của luật này, vừa đảm bảo khoa học, dễ tiếp cận và áp dụng được thuận lợi hơn.

Đối với quy định về cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi, đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ “vợ hoặc chồng” và chỉnh sửa theo hướng cưỡng ép mang thai, phá thai, chọn giới tính thai nhi là bạo lực gia đình, để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ. Bởi các hành vi bạo lực như nêu trên không chỉ có vợ hoặc chồng mà còn có thể có sự can thiệp, cưỡng ép từ các thành viên khác trong gia đình như ông bà, cha mẹ...

Đại biểu Lý Anh Thư.

Đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn Kiên Giang) đề nghị quy định rõ về một số hành vi bạo lực gia đình.

Về điều khoản trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản chung hay tài sản của riêng?

Về xử lý tin tố giác về bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đều cần bổ sung thêm quy định, ngay sau khi nhắn tin tố giác về bạo lực gia đình, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý ngay. Căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm, sắp xếp chỗ tránh nạn cho người bị bạo lực, sau đó thì mới tiến hành quy trình xử lý người bị bạo lực theo quy định.

Về biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng: Đây là việc cần tiến hành sớm, tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay thì cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định.

Đồng thời cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) cho biết, khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật quy định: hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, chưa bao quát phản ánh hết các thực tế về bạo lực gia đình. Nêu thực tiễn về nhiều vụ việc đau lòng khi chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, của chồng, đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều 4 cũng được áp dụng đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn