MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Ảnh: T.VƯƠNG

Cựu chiến binh làm bảo tàng tri ân đồng đội

VƯƠNG TRẦN LDO | 28/08/2019 07:00
Dù là thương binh nặng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, song cựu chiến binh Lâm Văn Bảng (SN 1943, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã không quản ngại vất vả dành nhiều thời gian và công sức, vượt qua hàng nghìn cây số, đến khắp mọi miền đất nước tìm hiện vật, tư liệu chiến tranh.

Ông đã xây dựng nên Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, lưu giữ những kỷ vật của thời chiến như để tri ân đồng đội, đồng thời nhắc nhở các thế hệ mai sau hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình, tự do.

Sưu tầm kỷ vật thời chiến, làm bảo tàng tri ân đồng đội

Nhớ lại kỷ niệm cách đây mấy chục năm, ông Lâm Văn Bảng bảo đó là những dấu mốc quan trọng của cuộc đời. Ông kể, năm 1965, trước tình hình giặc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đại đội 16, trung đoàn 52, sư đoàn 320. Ông nhớ như in và kể rành rọt về thời kỳ kháng chiến gian khổ, bị địch bắt tù đày, nhớ về những người đồng đội đã cùng đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử trong chiến đấu.

Từng là địch bắt và đày ra Phú Quốc, sau chiến tranh được trở về cuộc sống thời bình, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng luôn đau đáu, trăn trở nhớ tới những người đồng đội năm xưa. “Chính điều đó đã thôi thúc tôi đi tìm những kỷ vật của thời chiến, xây dựng một phòng truyền thống hoặc một bảo tàng để lưu giữ, trưng bày các tài liệu, kỷ vật... thể hiện tấm lòng tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước đồng thời nhắc nhở các thế hệ mai sau hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình, tự do. Tôi cùng một số cựu tù binh Phú Quốc và các nhà tù khác, liên hệ với Ban liên lạc tù binh ở Hà Nội, Long An, TPHCM… vào Nam ra Bắc sưu tầm tài liệu, hiện vật có giá trị” - ông Bảng nói.

Dù là thương binh nặng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, song cựu chiến binh Lâm Văn Bảng đã không quản ngại vất vả, khó khăn, cùng với các đồng đội vượt qua hàng nghìn cây số, đến khắp mọi miền đất nước tìm hiện vật, tư liệu chiến tranh. Khi đã có tư liệu, ông vận động gia đình xây dựng Phòng truyền thống ngay trên đất của tổ nghiệp nhà mình. Phòng truyền thống ra đời, buổi đầu có 5 phòng với hơn 1.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, sau đổi tên là Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày - là một Bảo tàng tư nhân với phương châm 4 tự: Tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Đến nay, sau 13 năm hoạt động, với 10 phòng trưng bày hơn 4.000 hiện vật, mỗi năm, Bảo tàng đón hàng vạn du khách tham quan, trở thành một địa chỉ đỏ lưu giữ, trưng bày, tố cáo tội ác chiến tranh, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Nắm rõ từng chi tiết, từng kỷ vật của những năm tháng chiến đấu ác liệt, ông Bảng tâm sự, hòa bình hôm nay là sự đánh đổi cả tuổi trẻ thanh xuân, xương máu của biết bao thế hệ những người chiến sĩ cách mạng, những chàng trai, cô gái xung phong từ mọi miền đất nước. Do đó, ông luôn muốn chia sẻ và giới thiệu về tinh thần yêu nước, về đồng đội, về sự hy sinh và tinh thần chiến đấu, cách mạng qua những kỷ vật vô giá, những tài liệu sống động cho thế hệ trẻ.

“Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, tham gia quân đội, bị địch bắt tù đày cho đến khi được trở về đời thường, tôi luôn tâm niệm phải làm những điều có ích cho xã hội, cho đất nước theo lời dạy của Bác. Học tập và thực hiện theo Di chúc của Bác về việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, công tác đại đoàn kết trong Đảng, công tác dân vận... tôi cùng với đồng đội đã dựng lên Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, và cũng nhắc nhở mọi người đây là công lao của Đảng, Nhà nước, thấy được sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời cũng là những bằng chứng để tố cáo tội ác của đế quốc, để thấy được lời dạy của Bác “Không có gì quý hơn độc lập - tự do quý giá biết nhường nào” - ông Bảng nói.

Trong quân ngũ, ông Lâm Văn Bảng đã được tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Giải phóng; được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng biểu tượng chiến sĩ bị địch bắt tù đày hoạt động Đảng trong các nhà tù của địch 1954 - 1975; được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2018 được Chủ tịch Nước biểu dương là 1 trong 70 công dân ưu tú toàn quốc. Năm 2019, ông Lâm Văn Bảng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn