MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

"Đã đến lúc trả việc bổ nhiệm chức danh giáo sư cho các trường đại học"

Đặng Chung LDO | 12/06/2018 19:30
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần trả việc công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư cho các trường đại học, để tránh việc người không tham gia giảng dạy cũng được làm giáo sư gây bức xúc trong dư luận.

Chiều 12.6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, như việc cần nâng cao vai trò của hội đồng trường, tăng quyền tự chủ của các trường đại học, trong đó có cả việc tự chủ công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho biết, theo kinh nghiệm của thế giới, khi các trường đại học bổ nhiệm một GS thì luôn phải gắn với các nhiệm vụ GS đó phải đảm nhận. Còn ở Việt Nam, thời gian qua xảy ra rất nhiều lùm xùm trong việc công nhận, bổ nhiệm chức danh này. Bởi nhiều khi việc bổ nhiệm chức danh chưa gắn với yêu cầu của trường đại học, người không giảng dạy cũng được công nhận GS, gây nên những ỳ xèo, bức xúc trong dư luận.

“Tôi đồng tình khi trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi khẳng định 5 chức danh nghề nghiệp của giảng viên là trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư và giáo sư.

Tuy nhiên, tôi xin đề nghị bên cạnh việc quy định các tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp cho mỗi một chức danh này thì trong luật cũng cần phải quy định rõ về cơ cấu, vị trí việc làm gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của những người được bổ nhiệm vào chức danh đó phải làm gì.

Nếu bổ nhiệm như thế chúng ta sẽ tránh được tình trạng bổ nhiệm tràn lan, nhiều giáo sư nhưng khi bổ nhiệm xong thì giáo sư này cũng không đảm nhận được công việc giảng dạy, nghiên cứu.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên giao quyền bổ nhiệm các chức danh này cho các trường chứ không nên thực hiện thông qua các hội đồng ngành, tạo ra những điều rất phiền toái, không hay như thời gian vừa qua”- đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Cũng góp ý về Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, bên cạnh việc đồng tình với quy định thu học phí của các trường đại học dựa trên cơ sở tính giá dịch vụ đào tạo, đại biểu Cường cũng băn khoăn việc này có thể sẽ tăng khó khăn cho những đối tượng là học sinh nghèo tiếp cận giáo dục đại học.

Từ đó ông kiến nghị: Tôi rất đồng tình với quy định là cơ chế thu học phí của các trường đại học phải dựa trên cơ sở tính giá dịch vụ đào tạo, dựa vào cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí để tạo thành giá dịch vụ đào tạo. Chỉ có trên cơ sở thu đúng giá dịch vụ đào tạo như thế thì các trường mới có cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc đào tạo các chương trình có chất lượng cao. 

Tuy nhiên, trong điều luật, chúng ta cũng cần phải quy định rất rõ trách nhiệm xã hội của các trường trong việc bắt buộc phải dành một tỉ lệ học phí để dành cấp học bổng cho những học sinh nghèo hoặc các đối tượng chính sách xã hội”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn