MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đà Nẵng phát huy tối đa nền tảng Internet để tuyên truyền, vận động bầu cử

Thanh Hải LDO | 21/05/2021 10:45

Trong những ngày này, Đà Nẵng không chỉ được trang trí rực rỡ tại công sở, rộn ràng trên đường phố... mà trên các nền tảng mạng xã hội cũng tưng bừng không khí tuyên truyền, vận động bầu cử.

Tiếp xúc cử tri trực tuyến là hình thức hoàn toàn mới, lần đầu tiên áp dụng trong hoạt động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong vòng 5 năm nay. Tuy đây là hoạt động "tình thế" ở Đà Nẵng, bởi dịch COVID-19 bùng phát, lây lan rộng trong cộng đồng, nhưng hiệu quả không hề suy giảm.

Tại mỗi hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến, Ban tổ chức Hội đồng bầu cử ở Đà Nẵng luôn bố trí 17-20 điểm cầu, trong đó 3-5 điểm cầu dành cho ứng viên, các điểm cầu còn lại bố trí giãn cách cho cử tri tham gia.

Chương trình hành động của các ứng viên Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp ở Đà Nẵng được phát sóng trên truyền hình, giới thiệu lại trên các trang mạng xã hội.

Hoạt động tiếp xúc cử tri, giới thiệu lý lịch trích ngang, chương trình hành động của các ứng viên cũng được Đài Phát thanh truyền hình thành phố phát sóng, giới thiệu, dẫn lại rộng rãi trên website, ở cả các fanpage trên mạng xã hội để tuyên truyền trên nền tảng Internet.

Điều đặc biệt, UBMTTQVN, đoàn thể chính trị các cấp từ thành phố, quận huyện cho đến xã phường ở Đà Nẵng cũng "niêm yết" chương trình hành động, sơ yếu lý lịch trích ngang của các ứng viên, các hướng dẫn khai báo y tế điện tử, hình thức bầu cử... trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo...

Một ứng viên Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng tự giới thiệu chương trình hành động trên sóng truyền hình, được phát lại trên mạng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thanh Chiến, Bí thư chi bộ khối phố An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trước đây, các ứng viên Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ trình bày chương trình hành động trực tiếp tại các điểm tiếp xúc cử tri. Lý lịch trích ngang thì chỉ niêm yết tại các điểm bầu cử. Đây là những thông tin công khai, cần phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến dân, vì vậy bây giờ tận dụng tuyên truyền, phổ biến trên các nền tản mạng xã hội là phù hợp, và sẽ lan tỏa, đạt hiệu quả hơn rất nhiều.

Theo bà Chiến, người dân có thể xem, nghiên cứu, thảo luận trong gia đình, thậm chí đã lựa chọn trước ứng viên để đến khi đi bầu chỉ cần gạch, bầu rất nhanh chóng.

UBNTTQVN các cấp ở Đà Nẵng tận dụng mạng xã hội để “niêm yết“, giới thiệu các ứng viên Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, trước bầu cử.

Ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, thường trực Hội đồng bầu cử thành phố cho biết, Đà Nẵng đã chủ động ứng dụng nền tảng số để tuyên truyền, vận động bầu cử. Không chỉ chính quyền các cấp, các đoàn thể mặt trận, mà từng tổ chức, cá nhân đều được phát huy, sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền cổ động bên cạnh cách làm truyền thống.

Đây là phương thức mới, nhưng hiệu quả cao, vừa đảm bảo công tác giãn cách phòng chống dịch COVI-19 nhưng đồng thời cũng hợp với tình hình và xu thế thời đại. Nhất là khi đã hướng đến chính quyền điện tử, nhà nước số. Vì vậy, hình thức tuyên truyền, vận động này sẽ được phát huy trong tương lai, kể cả khi không còn dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn