MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng được đánh giá phát triển kinh tế - xã hội chưa xứng tầm và như kỳ vọng. Ảnh: Hữu Long

Đà Nẵng tìm lĩnh vực, dư địa mới cho phát triển tương lai

THÙY TRANG LDO | 13/03/2024 22:29

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43, phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng còn nhiều khó khăn; có 8/16 chỉ tiêu có khả năng khó hoàn thành nếu không có quyết tâm cao và nỗ lực lớn trong thời gian tới.

Gặp khó vì nhiều dự án liên quan thanh kiểm tra

Chiều 13.3, Ban Kinh tế Trung ương và TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - trong báo cáo tóm tắt đề án nêu rõ, những định hướng xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao… còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đặt ra. Vai trò trung tâm vùng, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên còn khiêm tốn.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo tóm tắt 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 tại Đà Nẵng, trong đó kinh tế thành phố được đánh giá phát triển thấp so với kỳ vọng. Ảnh: Thùy Trang

Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đạt khá thấp so với Nghị quyết số 43 đề ra. Tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, dễ bị tác động bởi các cú sốc, các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ. Tiềm năng về kinh tế biển chưa phát huy hiệu quả, nhất là vai trò đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa của vùng...

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, những tồn tại trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan như Nghị quyết 43 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước không thuận lợi, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Song song đó, Đà Nẵng phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra, trong đó nhiều vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền.

Chính phủ chưa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết khiến cho việc phối hợp với các bộ, ngành gặp nhiều khó khăn. Hệ thống luật pháp chưa đồng bộ và thống nhất; các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực chậm được ban hành; một số cơ chế, chính sách đặc thù chưa phù hợp và chưa tạo đủ nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Đầu tư các công trình, dự án có tính vùng, liên vùng để xác lập vai trò trung tâm vùng của TP Đà Nẵng còn hạn chế; thiếu các giải pháp có tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Một số nguồn lực chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả...

Tháo gỡ khó khăn còn tồn tại, phát triển lĩnh vực mới cho Đà Nẵng

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – cho biết, hiện nay, thành phố đang tổ chức thực hiện 4 kết luận thanh tra Chính phủ và 3 bản án. Riêng kết luận 2852, địa phương có 1.300 dự án đang nằm chờ gần 10 năm nay. Nếu như tháo gỡ được, địa phương sẽ có một nguồn lực rất lớn về đất đai và nguồn lực xã hội. Như năm 2023, khi địa phương tháo gỡ 17 dự án thì đã thu được 47.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp cũng đang rất mong chờ để đầu tư vào dự án.

Bên cạnh việc tập trung giải quyết các khó khăn đang tồn tại, năm 2023, kinh tế số đóng góp khoảng 20% vào tăng trưởng GDP của TP Đà Nẵng, xuất khẩu phần mềm đạt khoảng 200 triệu USD. Điều này chứng tỏ rằng, nếu TP Đà Nẵng đi đúng hướng và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ chế thì lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh rất phù hợp với dư địa, mô hình phát triển của thành phố trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn