MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh Q.H

Đặc khu cần được tạo đột phá nhưng không được lơ là giám sát

VƯƠNG TRẦN LDO | 04/04/2018 13:18

Đó là ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 4.4.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, mục tiêu của những đặc khu là tạo ra những đột phá về hoạt động kinh tế mà từ hoạt động kinh tế này cần có sự đột phá về mặt quản lý nhà nước. Khu hành chính - kinh tế đặc biệt không giống như khu sản xuất, khu kinh tế mở hay khu thương mại tự do… Chính vì vậy, việc tổ chức chính quyền ở đây phải có những đặc biệt.

“Tôi tán thành trong tổ chức có HĐND và UBND. Nhưng đột phá ở điểm, UBND không cần phải tổ chức thường trực ủy ban mà giao cho chủ tịch UBND thẩm quyền quyết định.

Chủ tịch UBND là người được lựa chọn rất cẩn thận và do Thủ tướng bổ nhiệm trên cơ sở giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất của chủ tịch UBND tỉnh, có nghĩa là chúng ta đã lựa chọn rất kỹ rồi thì cần có những phương án đột phá.

Thứ hai, HĐND chỉ quyết định những vấn đề quan trọng nhất, còn những vấn đề khác thì để quyền đột phá cho chủ tịch UBND. Còn HĐND tập trung cơ bản vào nhiệm vụ giám sát. Thành phần HĐND gọn nhẹ gồm 15 người” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm: Một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng, đó là công tác tổ chức, giám sát tại các đặc khu này. Xác định tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm do đó hàng năm công tác giám sát phải hết sức chặt chẽ và thường xuyên. Từ đó, chúng ta rút kinh nghiệm ngay ở những năm đầu chứ không chờ đến hết giai đoạn 5 năm mới rút kinh nghiệm. Nếu để quá lâu có những sự việc đã qua rồi, trôi đi rồi sẽ không còn kịp nữa.

Nói về việc thành lập ban tư vấn tại các đặc khu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc này là quá rườm rà và không cần thiết. Bởi vì để thực hiện mục tiêu phát triển thì tất cả các vấn đề, các nội dung phát triển đều được thiết kế thành các đề án và các đề án đều được HĐND xem xét, lấy ý kiến của tất cả các cơ quan, ban, ngành. Do vậy, tổ tư vấn này không thực sự cần thiết.

Về vấn đề biên chế và vị trí việc làm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, vị trí việc làm của những đặc khu này cần có sự linh hoạt theo từng giai đoạn, từng bước phát triển.

“Thời điểm đầu cần nhiều nhân lực cho việc tổ chức nhưng những năm sau khi đã ổn định vấn đề tổ chức rồi thì chúng ta cần nhân lực nghiêng về vấn đề phát triển thì cần nghiêng về vấn đề phát triển… Cần những loại lao động nào, vị trí việc làm nào thì thẩm quyền đó nên giao cho chủ tịch UBND chứ không nên là xét duyệt cứng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lấy ví dụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn