MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đặc thù cho địa phương - lợi ích phải hướng đến người dân

Minh Bằng LDO | 23/10/2021 06:45
Trọng tâm của ngày làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV là tập trung bàn về cơ chế đặc thù cho 4 địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hoá.

Việc tạo cơ chế đặc thù này là nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII “ưu tiên cho liên kết và phát triển vùng, ưu tiên tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm”. Cụ thể là tạo ra những điều kiện rõ ràng hơn để địa phương bứt phá nhanh, giúp các địa phương đóng góp nhiều hơn ngân sách và là đầu tàu lôi kéo các tỉnh xung quanh.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà các địa phương này muốn áp dụng là muốn nâng mức dư nợ vay để có thêm nguồn vốn phát triển. Theo Luật Ngân sách (Khoản 6 Điều 7): Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương được quy định: Đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Luật quy định như vậy nhưng trên thực tế đã có 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang được Quốc hội đồng ý cho áp dụng cơ chế đặc thù theo hướng tăng mức dư nợ vay.

Cụ thể: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội không quá 90% (tăng 30% so với luật), thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ không quá 40% (tăng 10% so với luật). Các địa phương xin cơ chế lần này đều cho rằng nếu không có cơ chế đặc thù sẽ gặp khó khăn trong đầu tư. Việc tạo ra những cơ chế đặc thù là cần thiết để những địa phương có tiềm năng thêm được nguồn vốn, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động đồng thời cũng thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.

Ở góc độ khác, nhiều đại biểu Quốc hội còn tỏ ra băn khoăn đó là tình trạng ở một số địa phương sau khi có “cơ chế đặc thù” thì chuyển thành “đặc thù đóng phí”.

Đó là câu chuyện sau khi có cơ chế đặc thù thì các địa phương đồng loạt tăng phí. Từ phí chợ đầu mối, phí cao tốc, phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè tăng 4-5 lần… Nghĩa là người dân chưa kịp hưởng thụ thành quả từ “cơ chế đặc thù” đã phải “oằn lưng” cũng thêm một số loại phí, thuế.

Hôm qua, khi bàn về cơ chế đặc thù của Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hoá, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cũng nhắc lại câu chuyện này và cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu tăng các loại phí lên là không nên. 

“Ít nhất trong 2 năm phục hồi kinh tế, không nên đẻ ra loại phí nào, để tiếp tục đè gánh nặng chi phí lên người dân và doanh nghiệp. Trong giai đoạn này phải giãn, khoan sức dân. Chúng ta đẻ ra một số thí điểm rồi tăng thu, tăng thêm chi phí cho người dân và doanh nghiệp là không nên”- ông Lộc nói.

Đầu tàu kinh tế cần động lực, cần tiền để cất cánh, điều đó đúng. Nhưng nếu thẩm quyền thuế phí mang tính đặc thù không được tính đếm kỹ lưỡng nó thực sự sẽ trở thành một gánh nặng và khi ấy, rất khó để nói người hưởng lợi từ những thành quả tăng trưởng lại là những người chịu thuế phí gấp mấy lần một người dân bình thường khác.

Dù đặc thù cho địa phương thì mục đích và lợi ích phải hướng đến người dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn