MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Đại biểu dẫn vụ ly hôn của “vua cafe” Trung Nguyên ra nghị trường Quốc hội

Đặng Chung LDO | 26/11/2019 13:33
Dẫn chứng vụ ly hôn nhiều ồn ào của vợ chồng chủ cafe Trung Nguyên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là cần thiết.

Nhiều nước đã áp dụng phương thức hòa giải tại tòa án

Sáng 26.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và cho rằng, việc thiết lập cơ chế hòa giải sẽ góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước.

Góp ý tại hội trường về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu 5 lý do bà tán thành phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa án.

“Thứ nhất, hòa giải được tiến hành trong môi trường riêng chỉ có sự tham gia của các bên liên quan, giúp các bên yên tâm, tin tưởng ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp bất đồng, nói hết uẩn khúc, nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn. Những ưu việt này không phải lúc nào cũng có trong các phiên tòa công khai, nhất là trong các vụ án ly hôn, kinh doanh thương mại.

Chúng ta thấy rõ điều này khi theo dõi phiên tòa xét xử ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên. Mọi mâu thuẫn trong hôn nhân, các tình tiết cụ thể của vụ án được báo chí đưa tin hàng ngày. Có thể đây là điều những người trong cuộc không mong muốn.

Thứ hai, nếu các bên đồng ý, hòa giải viên có thể mời cả những người có uy tín trong dòng họ, bạn bè các bên tham gia hòa giải, phân tích phải trái, giúp các bên suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định. Kết quả nhiều vụ việc cho thấy, sau khi hòa giải, các bên đã từ bỏ ý định ly hôn, quay lại đoàn tụ.

Trong khi đó, với phương thức xét xử của tòa án, việc mời những người như trên tham gia phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì tòa án chỉ được phép mời những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Thứ ba, chi phí cho việc xét xử vụ án dân sự hành chính hiện nay là rất tốn kém. Để mở phiên tòa sơ thẩm ít nhất phải có 5 cán bộ tư pháp tham gia. Còn đối với công tác thi hành án, tình trạng tồn đọng án dân sự hành chính không được thi hành rất lớn…

Thứ tư, kết quả thí điểm hòa giải thời gian qua cho thấy, đây là thiết chế hiệu quả tiết kiệm cho cả người dân, Nhà nước, tỉ lệ hòa giải thành công đạt 78%.

Về việc thu phí hòa giải, trong thời gian thí điểm chưa thu mà do địa phương hỗ trợ. Theo tính toán sơ bộ, chi phí cho phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu đồng, trong khi đó chi cho hòa giải chỉ là 1,2 triệu đồng.

Thứ năm, trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng phương thức hòa giải tại tòa án.

Đối với các tranh chấp dân sự, công lý không đơn giản chỉ là ai thắng hay thua mà điều quan trọng là nhà nước phải tổ chức các thiết chế cho người dân hòa giải được với nhau. Từ trước đến nay, tâm lý người Việt Nam là “vô phúc đáo tụng đình”, không đừng được mới phải đưa nhau ra tòa xét xử" - đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu tán thành quan điểm không thu phí hòa giải

Vấn đề có thu phí hòa giải hay không được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo Tờ trình, Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này.

 Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) tán thành quan điểm Nhà nước không thu lệ phí. Bởi, điều này thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, góp phần khuyến khích các bên lựa chọn phương thức này. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, việc áp dụng phương thức hòa giải đã giảm 80% chi phí so với xét xử sơ thẩm.

Một số đại biểu khác thì góp ý nên cân nhắc quy định yêu cầu lực lượng hòa giải viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải. Lý do là chúng ta đang cần thu hút người có kinh nghiệm, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác hòa giải. Vì thế nên đặt vấn đề là bồi dưỡng nghiệp vụ cho người có năng lực làm hòa giải viên chứ không nên quy định, yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng mới được làm hòa giải viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn