MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại biểu đề nghị đẩy nhanh sửa Luật Đất đai để giải quyết nhiều vấn đề nóng

Vương Trần LDO | 21/07/2021 17:51
Có đại biểu cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp đã giải toả công trình đền bù nhưng vướng Luật Đất đai. Nếu kéo dài thời gian xem xét sửa đổi và thông qua luật này, sẽ có hàng trăm nghìn tỉ đồng ứ đọng, doanh nghiệp gặp nguy hiểm.

Đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình dự án Luật Đất đai

Chiều 21.7, Quốc hội (QH) cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Theo tờ trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, dự án luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, QH thảo luận kỹ lưỡng.

Thảo luận về chương trình, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nhắc đến tình trạng dự án luật đưa vào chương trình họp rồi vì nhiều lý do lại rút ra.

“Có dự án luật rất cấp bách theo phản ánh cử tri, nhưng lại không được đưa ra sửa đổi kịp thời. Như Luật Đất đai sửa đổi từng đưa ra nhưng nhiều lần xin lùi thời gian và đến giờ phút này vẫn chưa được sửa đổi.

Theo tiến trình thì dự án Luật Đất đai phải tới giữa năm 2023 mới được thông qua, tới năm 2024 mới có hiệu lực và các văn bản thi hành cụ thể. Trong khi đó, đây là dự luật rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi về sở hữu đất đai của người dân”, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nêu ý kiến và đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ trình dự án Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp cuối năm 2021.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu. Ảnh QH

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), Luật Đất đai đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Chính phủ đề nghị cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 năm 2022 và thông qua vào kỳ họp thứ 4 năm 2022, UBTVQH đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Đó là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.

Theo đại biểu Tám, trên thực tế, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương trong quá trình giao đất thu hồi đất…

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, QH khoá XIV năm 2018 đã đưa Luật Đất đai vào chương trình luật, pháp lệnh năm 2019, nhưng năm 2019 - 2020 không xây dựng và chuyển sang Quốc hội khoá XV.

“Tôi đề nghị giao Chính phủ và các bộ, ngành làm thế nào để cuối năm 2022 ban hành được Luật Đất đai sửa đổi, để thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội với vấn đề rất nóng bỏng”, ông Thân nói.

Sớm sửa luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Bấm nút tranh luận thêm, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nêu thực trạng thị trường bất động sản đang tăng giá rất mạnh, thậm chí có thể khủng hoảng vấn đề bất động sản về đất ở, song bất động sản du lịch đang đi xuống.

“Tất cả các địa phương, doanh nghiệp đã giải toả công trình đền bù nhưng vướng Luật Đất đai và Luật Đấu thầu nên không xử lý được. Nếu kéo dài đến kỳ họp thứ 4 mới đưa trình Luật Đất đai thì hàng trăm nghìn tỉ đồng sẽ ứ đọng và doanh nghiệp gặp tình trạng rất nguy hiểm. Nếu không kịp trình thì Quốc hội nên đưa ra nghị quyết để giải toả bức xúc của doanh nghiệp”.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất sớm sửa đổi Luật Đất đai. Ảnh Quốc hội

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Liên quan tới nội dung Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, việc đưa nội dung Luật Đất đai vào kỳ họp tháng 5.2022 là cố gắng rất lớn của các cơ quan soạn thảo, do đây là nội dung rất lớn, liên quan đến nhiều vấn đề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn