MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh ùn tắc, giao thông hỗn loạn như thế này diễn ra hàng ngày ở hầu hết rất tuyến phố lớn của Hà Nội. Ảnh: Zing.

Đại biểu HĐND Hà Nội đề nghị lắp barie ngăn xe máy lên vỉa hè

P.V (t/h) LDO | 06/12/2017 12:53
“Lòng đường như con sông, xe cộ như tàu bè, vỉa hè là bờ và tàu bè tràn lên bờ”, đại biểu (ĐB) Hà Nội ví von và đề xuất lắp barie ngăn xe máy lên vỉa hè.

Sáng 6.12, trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Huy Được cho hay ông nhiều lần “giật mình” khi đi bộ trên vỉa hè, vì xe máy “tràn lên như nước vỡ bờ”.

“Lòng đường như con sông, xe cộ như tàu bè, vỉa hè là bờ và tàu bè tràn lên bờ”, ông Được ví von.

Từ thực tế trên, đại biểu này đề nghị thành phố xem xét việc lắp đặt barie trên vỉa hè để ngăn xe máy, tạo điều kiện cho người đi bộ.

Đại biểu Nguyễn Huy Được đề nghị lắp barie trên vỉa hè. Ảnh: VnExpress.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức thì đặt vấn đề trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, sau chiến dịch ra quân rầm rộ hồi đầu năm.

Cũng nói về việc lập lại trật tự vỉa hè, đại biểu Nguyễn Thế Vinh nêu vấn đề nhiều bãi trông giữ xe trên vỉa hè lấn chiếm, thu giá cao hơn quy định.

“Đề nghị lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, Đống Đa cho biết trách nhiệm của mình” - ông Vinh chất vấn, VnExpress cho hay.

Trả lời chất vấn này, theo Zing, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết về vấn đề quản lý trật tự hè phố, theo phân cấp của UBND TP thì việc quản lý vỉa hè thuộc quận huyện, việc quản lý lòng đường thuộc Sở GTVT. Sở GTVT cấp các hoạt động trên lòng đường. Cơ sở pháp lý là luật Giao thông đường bộ và thông tư của Bộ Xây dựng về quản lý đường đô thị. Trong đó vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện giao thông. Tuy nhiên, luật cũng cho phép được sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm giao thông tĩnh (đỗ xe).

Đối với việc cấp phép vỉa hè thì tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Với tuyến đường 1 chiều phải có diện tích 7,5m trở lên mới cho đỗ xe, 2 chiều là 10,5m mới cho đỗ xe 1 bên, với tuyến đường hai chiều lớn hơn 14,5m mới cho đỗ xe 2 bên.

Tuy nhiên, việc cấp phép dẫu có đúng quy định nhưng việc thực hiện lại có những bất cập nên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường.

Cũng liên quan đến vấn đề ách tắc giao thông, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận này có 3 tuyến đường dễ xảy ra ách tắc lớn, đặc biệt vào các giờ cao điểm: đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến.

Theo ông Lưu nguyên nhân ùn tắc do lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn, đan xen giữa ôtô, xe máy và phương tiện công cộng.

Quận đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, như tuyên truyền trong nhân dân và học sinh; các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ muộn hơn so với công chức để tránh ùn tắc; phối hợp phân luồng, tổ chức lại một số tuyến thành đường một chiều...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn