MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội, Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐVN).

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Mong các Bộ trưởng đừng né các vấn đề nóng

Đặng Chung (ghi) LDO | 04/06/2018 10:22
Trao đổi với Lao Động trước khi Quốc hội bước vào phiên chất vấn (từ 4-6.6), Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) thẳng thắn: “Mong các Bộ trưởng không trả lời vòng vo, né tránh các vấn đề "nóng", bức xúc của ngành. Bởi cử tri cần sự thành thực, cầu thị và nỗ lực không mệt mỏi từ các Bộ trưởng”.

Hoạt động chất vấn của Quốc hội luôn thu hút sự theo dõi đặc biệt của cử tri và nhân dân của cả nước. Ông có kỳ vọng gì về phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này?         

- Với nhiều đổi mới trong việc thiết kế chương trình và cách thức chất vấn, cùng với việc các bộ trưởng đã có kinh nghiệm của nửa nhiệm kỳ làm Tư lệnh ngành (trừ Bộ trưởng GTVT) và các đại biểu Quốc hội cũng đã có khoảng thời gian trải nghiệm cần thiết, tôi tin là việc chất vấn lần này sẽ được nâng lên về chất, đáp ứng được mong đợi của cử tri.

Các vấn đề đặt ra phải thực sự nóng, có vấn đề trước mắt, thời sự, có vấn đề mang tính chiến lược lâu dài cho sự phồn thịnh của đất nước.

Tôi và cử tri mong các bộ trưởng đi thẳng vào câu hỏi, đánh giá đúng thực trạng vấn đề, xác định rõ trách nhiệm, nêu cụ thể giải pháp, nhất là giải pháp đột phá.

Sau chất vấn, các bộ trưởng sát sao chỉ đạo thực hiện, khắc phục những mặt yếu, như vậy chắc chắn các đại biểu Quốc hội và cử tri sẽ trân trọng, chia sẻ, đánh giá cao bộ trưởng.

Theo dõi các kỳ chất vấn trước, ông thường không hài lòng với những bộ trưởng như thế nào trong trả lời chất vấn?

- Không riêng tôi, qua trao đổi, tôi biết các đại biểu Quốc hội và cử tri không hài lòng đối với những bộ trưởng vòng vo, chối bỏ trách nhiệm, không đưa ra được giải pháp cụ thể.

Tôi rất chia sẻ với công việc của những tư lệnh ngành, rất phong phú, phức tạp, nhiều áp lực, có việc lại phát sinh từ những nhiệm kỳ trước. Nhưng Quốc hội và cử tri cần sự thành thực, cầu thị và nỗ lực không mệt mỏi của người  đứng đầu các bộ trước rất nhiều bức xúc của cử tri.

Tại phiên chất vấn lần này, ông quan tâm và sẽ “đặt hàng” các vị tư lệnh ngành những vấn đề nào cần có giải pháp quyết liệt?

- Đối với cả 4 bộ trưởng, cả 4 lĩnh vực tôi đều quan tâm, vì đều là những vấn đề cử tri bức xúc. Nhưng tôi nghĩ, mình cũng phải dành cơ hội cho các đại biểu khác cũng quan tâm, bức xúc như mình nữa chứ (cười).

Trong những nội dung tôi dự kiến chất vấn, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục sớm (giáo dục trẻ trước 6 tuổi) và vấn đề dạy nghề cho người lao động.

Tôi muốn nói sâu về vấn đề giáo dục sớm. Với nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản, dân tộc Do Thái…, họ đã nghiên cứu và tiến hành giáo dục sớm cách đây hàng thế kỷ, gần đây là Hàn Quốc, Trung Quốc. Đó là một trong những lý do quan trọng mà các nước đó đi tới hùng cường.

Còn ở Việt Nam, hầu hết các gia đình đều bỏ lỡ cơ hội thời kỳ vàng của giáo dục, tức là trẻ trước 6 tuổi, nhất là trước 3 tuổi. Quan niệm sai lầm này dẫn đến nhiều trẻ em không được kích thích đại não, tư duy chậm, tự kỷ, phát triển lệch lạc sau này.

Thông qua việc giáo dục sớm một cách khoa học, không những giúp trẻ thơ phát triển bình thường, nâng cao năng lực trí tuệ của trẻ, mà còn là biện pháp hữu hiệu khai thác tiềm năng đại não của trẻ, giúp trẻ có thế giới nội tâm phong phú.

Trên giác độ của tổ chức đại diện cho người lao động, tôi rất lo lắng về tình trạng hàng vạn công nhân vì khó khăn nên gửi con ở lại quê để đến các khu công nghiệp làm việc hoặc gửi con ngay ở nhà dân gần nơi nhà trọ để đi làm.

Thời kỳ vàng của giáo dục nhưng các cháu không được giáo dục bài bản, thậm chí ở xa bố mẹ. Đây là vấn đề xã hội rất lớn, liên quan đến giống nòi và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi mong muốn Bộ GDĐT tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về giáo dục sớm.

Đối với vấn đề đào tạo nghề cho người lao động, tôi coi đây là vấn đề cơ bản nhất để nâng cao năng suất lao động và từ đó nâng cao đời sống công nhân. Chúng ta cần có những giải pháp đột phá để đổi mới công tác đào tạo nghề, quan tâm đào tạo lại cho công nhân sau tuổi 35 bị sa thải, cũng như đào tạo nghề để công nhân ở các doanh nghiệp bị mất việc làm do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 có cơ hội để chuyển đổi nghề khác.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn