MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) - Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ: Người dân có thể bày tỏ kiến nghị, nhưng thái quá sẽ trở thành phạm tội

Xuân Hải - An Hà LDO | 12/06/2018 11:23

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói như vậy về việc một số địa phương như TPHCM, Bình Thuận… xảy ra tình trạng người dân tụ tập đông người, một số đối tượng quá khích gây rối, đốt phá tài sản, tấn công cảnh sát khiến dư luận cả nước bức xúc.

Trước việc người dân tụ tập đông người, phản đối dự Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho hay: Hiện nay, người dân có nhiều kênh để bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, để hiến kế, đóng góp xây dựng chính sách pháp luật. Nhà nước ta không bao giờ cấm công dân tham gia đóng góp ý kiến, bởi lẽ đóng góp xây dựng luật là một hình thức tham gia quản lý nhà nước, là một trong những quyền của công dân.

Do đó, người dân có thể bày tỏ kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện các dự án luật dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, trong đóng góp xây dựng chính sách hay trong tranh luận cũng vậy, cần phải thể hiện tính xây dựng, tránh những phản ứng tiêu cực, thái quá, bởi không khéo, cách phản ứng ấy sẽ trở thành phạm tội.

"Tôi rất đồng tình với việc Quốc hội điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6. Qua thảo luận, dự thảo Luật cho thấy, những vấn đề, chính sách lớn còn nhiều ý kiến khác nhau mà chưa “giải mã” được để người dân cảm thấy yên tâm, để Đại biểu Quốc hội cảm thấy yên tâm khi bấm nút thông qua", Đại biểu Bộ nói.

Đại biểu Bộ cho rằng, việc lùi thời gian thông qua dự thảo Luật là quyết định sáng suốt của Chính phủ, Quốc hội, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội với dự thảo luật cũng như trách nhiệm của đại biểu với cử tri và nhân dân.

Bên cạnh đó, việc lùi thời hạn thông qua dự án Luật sẽ tạo điều kiện để cơ quan soạn thảo có thêm thời gian hoàn thiện dự án Luật. Cơ quan soạn thảo phải xem xét các ý kiến của cử tri, các ý kiến của nhà khoa học, ý kiến của tầng lớp nhân dân để nghiên cứu, chỉnh sửa và phải làm làm rõ vì sao một số quy phạm của dự thảo luật đưa ra vẫn còn ý kiến khác nhau.

"Việc có nhiều ý kiến khác nhau hay tranh luận về một vấn đề cũng là bình thường, nhưng điều quan trọng là trên cơ sở tranh luận ấy để tìm ra được cái đúng, vì lợi ích chung. Việc tranh luận sẽ giúp chúng ta ban hành luật bảo đảm chặt chẽ hơn", đại biểu Bộ nói.

Trước đó, sáng 11.6, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Quốc hội đã biểu quyết đề nghị điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 với tỉ lệ tán thành 85,63%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn