MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh bị cáo buộc chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng. Ảnh: PV.

Đại biểu QH hiến kế ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thanh tra

Vương Trần - Cao Nguyên LDO | 25/06/2020 19:33
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải có cơ chế giám sát chéo các đoàn thanh tra, cũng như cần phải phát huy việc tố giác tội phạm để hạn chế việc vi phạm pháp luật trong chính các cơ quan thanh tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa hoàn tất kết luận đề nghị truy tố Nguyễn Thị Kim Anh (cựu Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng Thanh tra Bộ Xây dựng), Nguyễn Thị Kim Liên (em gái bị can Kim Anh, cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3, Bộ Xây dựng), Nguyễn Thùy Linh (thành viên Đoàn Thanh tra) và Đặng Hải Anh (chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng) cùng về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Trước sự việc này, nhiều ý kiến đặt ra các câu hỏi về việc cần có cơ chế giám sát các đoàn thanh tra như thế nào để cơ thanh tra không "lộng hành", không có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong các cơ quan thực hiện chức trách bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra là cơ quan được trao quyền, được pháp luật cho phép để kiểm tra việc chấp hành pháp luật của đối tượng khác. 

Tuy nhiên, thời gian qua, có hiện tượng chính những người làm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm thì đương nhiên hành vi đó không thể chấp nhận được. Và đây có thể là tình tiết tăng nặng khi truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc lạm dụng chức quyền để thực hiện uy hiếp hoặc gạ gẫm, nhũng nhiễu… để trục lợi cần phải được xử lý nghiêm để răn đe.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn

Theo ông Vân, để tránh xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong chính các cơ quan thanh tra thì trước hết các cơ quan, đơn vị, các cấp uỷ đảng cần thực hiện việc giám sát, kiểm tra, giáo dục cán bộ của mình. Cùng với đó, cần có cơ chế giám sát các đoàn thanh tra để những vi phạm pháp luật bị hạn chế, đó là thanh tra đột xuất, thanh tra chéo các đoàn thanh tra đó. Đây là phương pháp làm việc của các thủ trưởng giao nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra thuộc thẩm quyền của mình. Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ, không tin cậy, phải có kiểm tra để phát hiện vi phạm.

Về việc bố trí các thành viên của đoàn thanh tra, ông Vân cho rằng, thành phần đoàn thanh tra cũng cần phải được tập hợp từ nhiều đơn vị khác nhau.

"Lực lượng chính vẫn là thanh tra chuyên ngành nhưng cần phải có cơ chế giám sát từ bên trong, đó là thành phần rộng hơn. Mặt khác, đối tượng bị thanh tra có quyền thông báo hoặc báo tin tố giác về hiện tượng vòi vĩnh để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý, tránh những tiêu cực, nhũng nhiễu. Ngoài ra, cần phải công khai các đoàn thanh tra, lịch trình, đối tượng thanh tra để các cơ quan nắm rõ, giám sát" - ông Vân nói.

Còn theo luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, quá trình thanh tra chính là để kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, dự án (thanh tra chuyên ngành). Do đó, chỉ khi việc thanh tra diễn ra đúng các quy định của pháp luật thì nó mới được xem là có hiệu lực.

Nêu về giải pháp hạn chế phát sinh từ những vi phạm thanh tra, luật sư Tuấn Anh cho rằng, chúng ta phải nâng cao nhận thức, phẩm chất của cán bộ, chúng ta phải nâng cao trình độ, đạo đức… có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức tốt, tránh được vi phạm; Tăng cường thêm các hoạt động tuyên truyền pháp luật về thanh tra, minh bạch hơn quyết định thanh tra.

"Yêu cầu công bố tất cả các quyết định thanh tra trên cổng thông tin điện tử. Đặc biệt, gỡ bỏ tư duy sợ cán bộ từ trung ương về địa phương. Nâng cao nhận thức pháp luật, để chính họ tự bảo vệ họ…" - luật sư Tuấn Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn