MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh Phạm Đông

Đại biểu QH lo ngại xe máy sẽ là đối thủ cực mạnh với đường sắt đô thị

Vương Hà Chung LDO | 03/11/2020 10:25

Đại biểu Quốc hội cho rằng, xe máy hiện vẫn duy trì vị trí độc tôn trong giao thông đô thị, hứa hẹn là đối thủ cực mạnh với đường sắt đô thị.

Sáng 3.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP. Hà Nội) đã dành nhiều thời gian trong phần phát biểu của mình để nói về vấn đề phát triển hệ thống giao thông đô thị.

Theo vị đại biểu này, TPHCM và Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ, thành những siêu đô thị 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng.

Dân số cơ học mỗi năm tăng khoảng 200.000 người gây áp lực lớn đến hạ tầng cơ sở. Đặc biệt là hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, điểm nghẽn phát triển bền vững của 2 thành phố.

“Báo cáo của TPHCM cho biết hàng năm ùn tắc giao thông gây thiệt hại khoảng 6 tỉ USD” - ông Thường dẫn số liệu cho biết.

Theo ông Thường, hiện nay các tuyến đường sắt đô thị được xem là cứu cánh của giao thông đô thị ở 2 thành phố lớn này. Hệ thống đường sắt của 2 thành phố đều xác định có khoảng 8 tuyến, TPHCM có tổng chiều dài khoảng 220 km với tổng mức đầu tư 25 tỉ USD. Còn Hà Nội là 318 km với tổng mức đầu tư là 30 tỉ USD.

“Phát triển đường sắt đô thị được xem là một xu thế tất yếu và rát bức bách. Song việc triển khai có nhiều vấn đề, đều có mẫu số chung là vốn đầu tư lớn toàn tỉ USD, chậm tiến độ, đội vốn, gây bức xúc trong nhân dân như dự án Cát Linh Hà Đông, Bến Thành – Suối Tiên…”, ông Thường nêu dẫn chứng.

Ông cũng đề nghị cần nghiên cứu để dự án đường sắt đô thị gắn kết với không gian đô thị tích hợp với đường sắt đô thị để đường sắt phát huy được vai trò của mình.

Ông Thường đề xuất, quy hoạch đường sắt đô thị phải gắn kết với không gian và đời sống đô thị. Bởi TPHCM và Hà Nội hiện nay đang không được thiết kế theo định hướng đô thị giao thông công cộng, mà phát triển chủ yếu theo các phương tiện cá nhân với mật độ đường rất thấp.

“Cảnh quan nhà phố, kinh tế vỉa hè, văn hóa vỉa hè có thể coi là khá đặc trưng của đô thị Việt Nam. Xe máy vẫn duy trì vị trí độc tôn trong giao thông đô thị hứa hẹn sẽ là đối thủ cực mạnh với đường sắt đô thị” - ông Thường nêu ý kiến.

Cũng theo ông Thường, để các dự án đường sắt đô thị phát huy hiệu quả, phải có lượng người đi lớn. Bởi vậy, các tuyến đường sắt chỉ là một phần thu hút người đi lại, phần quan trọng khác là các tiện ích xung quanh như bãi gửi xe cá nhân, chung cư, cao ốc, văn phòng. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng đường sắt đô thị phải gắn với tái cấu trúc không gian đô thị, "đo ni đóng giày" cho từng tuyến.

Về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Thường bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ "tháo gỡ các vướng mắc để cuối năm nay vận hành, không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân".

Từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Thường đưa ra các lưu ý, cần đánh giá, rút kinh nghiệm về việc vay ODA xây dựng đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện vay. Và việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi xây toàn tuyến chứ không phải một đoạn tuyến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn