MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Phòng, thảo luận tại phiên họp tổ. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Quốc hội: Cần giảm dần tỉ lệ điện than, tăng năng lượng sạch

Đặng Chung - Trần Vương LDO | 29/10/2021 19:16

Chiều 29.10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu đều cho rằng, cần phải cơ cấu lại không gian kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, cũng như tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, giảm dần tỉ lệ điện than trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội 

Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025  đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Góp ý về dự thảo kế hoạch, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) cho rằng, năm 2021 là thời điểm chịu tác động lớn của dịch COVID-19 do đó phục hồi phát triển kinh tế sau dịch là vấn đề cấp thiết. Do đó, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại biểu đoàn Bình Thuận lưu ý cần xác định đa mục tiêu để bảo đảm tiếp cận bao trùm bền vững, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu trung tâm để xây dựng thể chế phát triển kinh tế. 

“Hiện chúng ta phân ra là công nghiệp, dịch vụ, và nông nghiệp nhưng cần quan tâm tới vấn đề y tế và giáo dục và coi như là “dịch vụ” - đại biểu Yến nói và cho rằng, y tế cần hướng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe. Từ đó có định hướng để nhà nước sử dụng gói đầu tư công để phát triển y tế dự phòng, y tế số để đóng góp cho tăng trưởng GDP.

Còn với giáo dục, cần nâng cao kỹ năng của người lao động, đào tạo lại, nhất là các nguồn lực kinh tế cần ưu tiên, nâng cao năng lực kỹ năng số để phục vụ nền kinh tế. “Ngay học sinh cấp 2, cấp 3 có thể đưa ra sáng kiến trong học tập, tiêu dùng, sản xuất để hướng tới nền kinh tế bền vững, việc làm xanh, kỹ năng xanh để đóng góp cho phát triển nền kinh tế xanh”-bà Yến bày tỏ.

 Tăng dần tỉ lệ điện bằng năng lượng sạch, tái tạo

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức lại không gian kinh tế của đất nước phù hợp với tình hình thực tiễn, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng) kiến nghị cần cơ cấu theo hướng chuyển dịch, giảm dần tỉ lệ điện than, tăng dần tỉ lệ điện bằng năng lượng sạch, tái tạo.  Ông cho rằng Chính phủ cần xác định rõ lộ trình thực hiện việc này. Ngoài ra, cần phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi ngành hàng thì mới có thể thực sự phát triển bền vững.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, kế hoạch này phải gắn với bối cảnh, tình hình hiện nay sau những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. “Với tác động của dịch, tất cả nội dung, biện pháp, chỉ tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nên kinh tế phải đặt trong tổng thể phục hồi kinh tế, khắc phục hậu quả dịch bệnh. Khi đặt trong tổng thế, thì mới có những chỉ tiêu, biện pháp điều hành hợp lý”- đại biểu An góp ý.

Đại biểu An băn khoăn về mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp tới năm 2025. Theo ông An, giai đoạn vừa qua, chúng ta đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp nhưng cũng chưa hoàn thành.

“Trong bối cảnh hiện nay, phải đánh giá lại mục tiêu này. Doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế, nhưng khi chúng ta đưa ra số lượng 1,5 triệu, phải đánh giá tính khả thi. Chúng ta nên quan tâm chất lượng nhiều hơn là số lượng”- đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị và khẳng định, chất lượng của doanh nghiệp mới là điều quan trọng.

Theo ông An, cần có những phân tích, đánh giá cụ thể về chất lượng doanh nghiệp trong nước, để từ đó có các cơ chế, chính sách tăng về chất lượng, không nên tập trung quá vào số lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn