MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội: Cần tránh tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa

Nguyên - Hùng - Trung LDO | 16/11/2018 17:43
Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công chiều 16.11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu kỹ, cụ thể các điều luật, tránh tình trạng tuổi thọ luật quá ngắn, vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Chiều 16.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Luật Đầu tư công có tuổi thọ quá ngắn

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan trực tiếp tới nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, bà Mai cho rằng đây cũng là một Luật chỉ mới áp dụng 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung và một số quy định chưa bao quát được hết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Chính vì vậy, theo bà Mai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công lần này cần đánh giá toàn diện, phải bao quát được đầy đủ những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Do đó, bà Mai kiến nghị, cần khắc phục triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền và tránh tình trạng vừa ban hành đã phải sửa đổi bổ sung.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). Ảnh: Quochoi.vn 

Nhiều nội dung rắc rối, phức tạp

Góp ý về dự án Luật, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, dự thảo luật này có nhiều chính sách nổi bật với mong muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Tuy nhiên, ông Hàm cho rằng, thực tế soạn thảo nhiều nội dung rắc rối, phức tạp hơn, có nội dung không bằng Luật hiện hành.

Về các khái niệm, ông Hàm nói, theo Ban soạn thảo, quan trọng nhất là sửa đổi khái niệm vốn đầu tư công, và khái niệm vốn đầu tư công trong dự thảo luật gồm vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác của nhà nước chưa cân đối trong ngân sách nhà nước.

Theo ông Hàm, việc khái niệm vốn đầu tư công gồm nguồn vốn khác của nhà nước chưa cân đối trong ngân sách sẽ dẫn đến việc hiểu rằng có các khoản tiền của ngân sách để ngoài ngân sách và làm lu mờ nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ trong việc đã đưa hầu hết các khoản thu của ngân sách vào cân đối.

Riêng về khái niệm này, ông Hàm đánh giá “không rõ bằng khái niệm của Luật hiện hành”, đồng thời không bao quát được hết các nguồn vốn đầu tư công.

Vị đại biểu Đoàn Phú Thọ kiến nghị, cần bám sát khái niệm tài chính công khi đưa ra khái niệm về vốn đầu tư công trong dự thảo luật.

Ngoài ra, theo ông Hàm, mong muốn của ban soạn thảo là phân cấp mạnh và giảm thủ tục đầu tư nhưng thiết kế nhiều điều khoản của Luật không đáp ứng được yêu cầu đó.

Ông Hàm nêu ví dụ, việc điều chỉnh phân loại dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỉ đồng trở lên (gấp 3,5 lần quy định hiện hành) để giảm việc trình Quốc hội là chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng.

Theo ông Hàm, những dự án loại này phát sinh ít (kế hoạch trung hạn chỉ có 2 dự án) nên việc  trình Quốc hội không có vướng mắc gì và mức 35.000 tỉ đồng là khá lớn so với vốn đầu tư từ ngân sách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn