MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội chê dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn nhiều lỗi chính tả

Xuân Hùng - Thành Trung LDO | 15/11/2018 16:14
Góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng nhiều điều trong dự thảo luật còn chưa rõ, có cả những lỗi chính tả.

Ngày 15.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn lỗi chính tả

Góp ý về dự án luật này, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cho rằng, dự thảo luật đang còn nhiều lỗi chính tả, ngôn ngữ, văn phong chủ yếu là giải thích chính sách hơn là điều luật, chính vì vậy cần rà soát điều chỉnh lại cho phù hợp.

“Điều 28 cả 3 khoản đều dùng khái niệm "tham gia vào cuộc sống lao động" theo bà Trinh là không phù hợp”, bà Trinh nói và kiến nghị cần chỉnh sửa lại là "tham gia vào thị trường lao động, quan hệ lao động".

Phân luồng học sinh chưa thành công

Góp ý về dự thảo luật này, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, nước ta đã thực hiện phân luồng học sinh, tuyên truyền định hướng giáo dục nghề nghiệp trong nhiều năm nhưng chưa thực sự thành công, chưa làm thay đổi nhận thức của người học.

 Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước). Ảnh: Quochoi.vn

“Tỷ lệ các em lựa chọn học nghề sau phân luồng rất thấp, đặc biệt học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, học sinh ra trường không có việc làm, thất nghiệp hàng năm vẫn chiếm tỷ lệ cao”, bà Hạnh nói.

Vị đại biểu Đoàn Bình Phước cho rằng, Điều 7 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về chương trình giáo dục có định hướng sẽ được tạo điều kiện phân luồng học sinh hiệu quả.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, trong dự thảo luật chưa nói rõ “sẽ tạo được điều kiện gì, tạo điều kiện như thế nào”?

Riêng về khoản 5 Điều 7 quy định sẽ thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh và giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung này, tuy nhiên, theo bà Hạnh, điều này cũng không được quy định cụ thể trong luật.

Bà Hạnh đề nghị cần lượng hóa cụ thể hơn trong luật nhằm triển khai đồng bộ phương pháp, nội dung giáo dục hướng nghiệp trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia.

Quá nhiều nội dung giao cho Chính phủ

Góp ý về dự thảo luật lần này, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chỉ rõ, hiện nay dự thảo luật được kết cấu là 10 chương và 120 điều, nhưng trong đó có đến 28 điều khoản giao cho Chính phủ và các bộ quy định hướng dẫn.

Bà Ánh đề nghị Ban soạn thảo thiết kế sao cho giảm thiểu nhất các nội dung giao cho Chính phủ và các bộ quy định hoặc hướng dẫn bằng các văn bản dưới luật.

“Cần quy định cụ thể hơn trong luật để sau khi Quốc hội thông qua có thể triển khai tổ chức thực hiện được ngay”, bà Ánh nói.

Góp ý về mục tiêu giáo dục ở Điều 2 dự thảo luật về mục tiêu giáo dục, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng, dự thảo cần quan tâm hơn nữa tới việc bồi dưỡng và phát triển tư duy độc lập đối với người học.

Vì theo ông Bình, đây là phẩm chất quyết định sự phát triển, năng lực sáng tạo và đổi mới của nguồn lao động trong tương lai. Tư duy độc lập được xem là gốc của tri thức con người và phát triển xã hội.

 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội sáng nay 15.11. Ảnh: Quochoi.vn
 Bộ trưởng Giáo dục nói sẽ rà soát lại dự thảo luật 

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong thời gian tới cần rà soát để cụ thể hơn các vấn đề mà xã hội đang bức xúc và những vấn đề gây nút thắt trong phát triển giáo dục.

Bộ trưởng GDĐT nhấn mạnh sẽ lựa chọn, xác định rõ những gì có thể cụ thể được thì cụ thể luôn ở trong luật, với một số vấn đề lớn cần nghiên cứu thật thấu đáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn