MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại biểu Quốc hội đề nghị chất vấn dũng cảm, bớt khen, truy rõ trách nhiệm

Đ.Chung-C.Nguyên-T.Trung LDO | 04/06/2019 07:31
Hôm nay 4.6, Quốc hội sẽ bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với bốn “tư lệnh" ngành. Nhiều đại biểu Quốc hội cho biết sẽ chất vấn trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội, nhân dân.

Mong các đại biểu Quốc hội bớt "nể nang"

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung được chờ đợi nhất ở mỗi kỳ họp Quốc hội vì nó chuyển tải ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ.

Vì là đại diện của cử tri, nên đại biểu Lan cho rằng, các đại biểu Quốc hội khi đặt câu hỏi chất vấn với các bộ trưởng hãy dũng cảm hơn, bớt khen và tập trung chất vấn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của bộ, ngành. “Đừng nể nang, đừng ngại mất lòng nhau, vì nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là phản biện” – nữ đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Quochoi.vn 

Bà cũng kỳ vọng các bộ trưởng khi trả lời chất vấn về những hạn chế, tồn tại của bộ ngành mình quản lý thì đừng nhận trách nhiệm một cách chung chung, mà quan trọng cần nêu được giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Còn theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), kinh nghiệm cho thấy, nếu bộ, ngành báo cáo kỹ càng, thể hiện tinh thần cầu thị, thông qua việc tự xác định bất cập trong quản lý ngành, tìm kiếm giải pháp khắc phục, thì đại biểu sẽ ít đưa ra chất vấn trên nghị trường. Ngược lại, nếu bộ, ngành nào báo cáo theo kiểu chung chung thì chắc chắn sẽ nhận được nhiều chất vấn của đại biểu, để tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. 

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) giơ biển tranh luận với bộ trưởng tại Quốc hội. 

Đại biểu Bộ cho biết, trong 4 bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn (Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông quan tâm đến các nhóm nội dung liên quan đến ngành công an.

“Trong thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đã  phản ánh lo ngại của cử tri về việc sử dụng ma túy trong giới trẻ, vận chuyển, buôn bán ma túy với khối lượng lớn…

Vấn đề này có lẽ sẽ tiếp tục được đưa ra trong các ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Có thể thấy, việc khắc phục hiện tượng nêu trên không chỉ thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, mà còn liên quan đến trách nhiệm của một số bộ ngành khác, cần sự vào cuộc của Chính phủ.

Bộ trưởng cần trả lời “trúng” và đúng  

Nói về kỳ vọng vào phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TPHCM) cho biết, bà mong các đại biểu sẽ chất vấn với tâm thế “tranh luận đến cùng” nếu bộ trưởng trả lời chung chung, chưa đúng vấn đề mà câu hỏi đặt ra.

“Việc đại biểu tranh luận, truy trách nhiệm của bộ trưởng là cách để các tư lệnh ngành đánh giá và xem xét lại trách nhiệm của mình. Nhưng ngược lại, các bộ trưởng khi đã đưa ra lời hứa trước Quốc hội, nhân dân, thì cũng mong muốn thực hiện được lời hứa đó. Có điều, không phải ai cũng thực hiện được trong ngày một, ngày hai. Vì thế, tôi cho rằng quan trọng là bộ trưởng có quyết tâm làm và làm có trách nhiệm hay không”- đại biểu Trần Kim Yến nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri đang rất kỳ vọng vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, vì vậy bà mong các bộ trưởng nên trả lời đúng, trúng và không né tránh trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn