MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp để người lao động "ly nông bất ly hương"

Vương Trần - Phạm Đông LDO | 08/11/2021 16:05
Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu để tái cơ cấu lại lĩnh vực và địa bàn thu hút đầu tư. Điều này vừa để người lao động ly nông nhưng không phải ly hương, vừa có việc làm bền vững, không phải “ráo mồ hôi là cạn tiền”. 

Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày (8.11), đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP.Hà Nội) nhắc tới sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương từ dịch bệnh COVID-19. Từ đó cần có cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà. 

Theo đại biểu Lộc, chúng ta không phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các đại công trường miền Đông Nam Bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm qua.

Nhưng nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn ôm vào trong lòng các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này. Mặt khác lại chèn lấn thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. 

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai.

Do đó, theo ông Lộc, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Điều này cũng nhằm chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác. 

“Như vậy,  chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả. Để con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông, để có việc làm và làm giàu trên quê hương mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thành chật chội” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Đại biểu Lộc cũng nêu ý kiến về việc thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới. Theo đó, bên cạnh các chính sách về tài khóa, về tiền tệ, về an sinh xã hội thì chúng ta phải áp dụng các cơ chế và các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư toàn xã hội.

Đó chính là rút gọn các thủ tục hành chính, quản trị rủi ro chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. 

Theo đại biểu Lộc, biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Và trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo. 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn - thảo luận tại nghị trường. Ảnh QH

Cùng nêu ý kiến về việc này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, cần nghiên cứu để tái cơ cấu lại lĩnh vực và địa bàn thu hút đầu tư. Điều này vừa để người lao động ly nông nhưng không phải ly hương, vừa có việc làm bền vững, không phải ráo mồ hôi là cạn tiền. 

Đại biểu Nghĩa cũng nêu giải pháp cần tăng cường đầu tư để phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề do chuyển đổi công việc, thông qua Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Kỹ năng chính là công cụ tốt nhất để bảo vệ người lao động khỏi cạnh tranh từ máy móc, để người lao động làm quen, làm bạn và làm chủ máy móc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn