MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Đông

Đại biểu Quốc hội đề xuất thêm gói hỗ trợ an sinh xã hội để tăng tổng cầu

NHÓM PV LDO | 23/05/2023 14:09

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề xuất có thể xây dựng một gói hỗ trợ an sinh xã hội nữa với nhiều mục đích khác nhau. Gói này giúp giảm khó khăn cho những người lao động bị cắt giảm việc làm, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra với nhiều kì vọng về công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Bên lề Quốc hội, các đại biểu kì vọng, Quốc hội sẽ đưa ra các giải pháp, chính sách hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài, một cách tổng thể để "cứu" nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông cho biết, doanh nghiệp khó khăn liên tiếp, liên tục trong gần như cả 3 năm qua. Bây giờ phải rất bình tĩnh để giải quyết một cách căn cơ các bài toán một cách tổng thể.

Không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác. Chúng ta phải vừa có giải pháp cấp bách ngắn hạn vừa phải có giải pháp dài hạn để cứu nền kinh tế. Muốn có được sự hỗ trợ tổng thể tới doanh nghiệp thì phải hiểu doanh nghiệp đang khó khăn về vấn đề gì. Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh nhiều đến hai khó khăn chính là thị trường và vốn.

Với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, hiện tại khó khăn nhất là về thị trường. Thị trường nước ngoài đang rất bấp bênh khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm. Theo ông, nếu thị trường quốc tế khó khăn kéo dài thì phải tính đến thị trường trong nước.

Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhưng độ mở của nền kinh tế lên tới 200%, gấp đôi GDP. Ông đánh giá đây là một yếu tố “nguy hiểm” và “rủi ro”. Độ mở lớn thì chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài là rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu đạt tới 90% GDP nhưng giá trị gia tăng vẫn rất thấp, chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu và bán thành phẩm. Là một quốc gia nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng tỉ USD hàng nông sản.

Tuy nhiên, nếu phụ thuộc vào thị trường trong nước thì lại phụ thuộc vào sức cầu của nền kinh tế. Những tháng vừa qua cho thấy sức mua ngày càng yếu. Người dân đã bị thiệt hại nhiều sau 2 năm dịch COVID-19.

Ông Ngân đề xuất ngay lập tức có thể xây dựng một gói hỗ trợ an sinh xã hội nữa với nhiều mục đích khác nhau. Gói này giúp giảm khó khăn cho những người lao động bị cắt giảm việc làm, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách… Hơn nữa, gói sẽ giúp kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

“Quốc hội với mô hình hoạt động ngày càng năng động có thể sẵn sàng làm việc, có thể họp trực tuyến, họp bất thường để quyết những vấn đề cấp bách có thể cứu nền kinh tế”, ông nói.

Biện pháp tăng tổng cầu cũng được ông đánh giá cao là việc điều chỉnh tiền lương từ 1.7 sắp tới. “Quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ tăng sức khỏe cho người dân, có nguồn lực tài chính cho các hộ gia đình”, ông nói.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, cái khó thứ hai của doanh nghiệp là việc tiếp cận vốn. Ngân hàng vẫn cho doanh nghiệp vay nhưng điều kiện cho vay tương đối khó khăn. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó xử về việc liệu có vay được vốn hay không. Ông đánh giá hiện nay dư nợ tín dụng rất thấp cho thấy khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế là có.

Giải pháp được ông Ngân đề xuất là khôi phục, củng cố và phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này được thành lập từ ngân sách, thu từ thuế mà các doanh nghiệp đóng khi hoạt động tốt. Việc này giống như dùng mô hình của quỹ để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Còn đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nếu chúng ta tận dụng, khai thác được hết các nguồn lực đưa ra trong các chương trình đầu tư công trung hạn, một số chính sách về tài khóa - tiền tệ… thì nền kinh tế sẽ vượt qua được những thách thức trong giai đoạn hiện nay và từng bước phục hồi, phát triển bền vững.

Theo đại biểu, để làm được điều này thì không chỉ cần sự quan tâm, theo sát, đồng hành của Quốc hội; sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương mà còn cần sự ủng hộ, quyết tâm đổi mới, năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp và người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn