MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp tranh luận tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội: Khám ngăn kéo bị can trong vụ Việt Á có hơn 10 tỉ đồng, tiền mặt đâu mà nhiều thế?

NHÓM PV LDO | 09/06/2022 09:29
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi: Trong vụ Việt Á, khi công an khám xét nhà, trong ngăn kéo của bị can có hơn 10 tỉ đồng. Vậy tiền mặt ở đâu mà nhiều như thế, đó là một vấn đề?

Đại gia sử dụng tiền mặt rất nhiều để mua bất động sản

Sáng 9.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời, giải trình các nội dung chất vấn trước Quốc hội đối với nhóm vấn đề thứ 3 - lĩnh vực ngân hàng.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, chiều qua (8.6), có đặt câu hỏi về sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, câu trả lời của Thống đốc Ngân hàng lại chưa cụ thể. Theo ông, hiện đã có quy định rõ ràng về việc sử dụng tiền mặt ở ngoài thị trường, đặc biệt là các cơ quan nhà nước. 

Tuy nhiên, trong vụ Việt Á, khi công an khám xét nhà, trong ngăn kéo của bị can có hơn 10 tỉ đồng. “Vậy tiền mặt ở đâu mà nhiều như thế, đó là một vấn đề” - ông Hòa đặt câu hỏi.

Đại biểu Hòa cũng cho biết, hiện nay, một số đại gia sử dụng tiền mặt rất nhiều để mua bất động sản. Chỉ cần người bán đất trả tiền mặt sẽ có ngay, còn không thì chuyển khoản. Ông Hòa đặt câu hỏi có vấn đề gì trong ngành ngân hàng hay không về sử dụng tiền mặt?

Đối với việc sử dụng tiền mặt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, hiện nay trong các quy định hiện hành, những khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước cũng đã yêu cầu đối với các khoản trên 20 triệu đồng thì phải thực hiện qua chuyển khoản, không được thanh toán bằng tiền mặt.

Còn đối với các giao dịch khác, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đang trong quá trình nghiên cứu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình xây dựng quy định mới cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đối với các quy định về vấn đề thanh toán bằng tiền mặt này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp thế nào?

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) chất vấn về sự chia sẻ của ngành ngân hàng với doanh nghiệp thời gian qua đã tương xứng chưa, trong khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, cả hệ thống chính trị góp sức hỗ trợ với Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV.

Ông cũng dẫn chứng lại, hai năm qua kinh tế tăng trưởng thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản rút khỏi thị trường; người dân lao đao vì dịch dã. Nhiều khoản nợ ngân hàng đến hạn không trả được. Nhưng hầu hết nhà băng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng. Ông Lâm đề nghị Thống đốc chia sẻ về vấn đề này.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, các tổ chức tín dụng thời gian qua theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Khi COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, người dân. Tổng số miễn giảm là 48.000 tỉ đồng, đây cũng là sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng.

Bà giải thích thêm, bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nguồn thu là từ thu lãi và các loại hình dịch vụ khác, nhưng cũng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh. Các ngân hàng cần có nguồn tài chính dự phòng để xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư cho phép các nhà băng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức tín dụng tham gia rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp nợ xấu, lẽ ra không đủ điều kiện vay vốn, không có khả năng trả nợ, nên không được vay vốn. Nhưng bằng cách này, các doanh nghiệp, người dân có thể được vay vốn trở lại.

Về vấn đề lợi nhuận cao của ngân hàng, bà Hồng nói các nhà băng được thành lập họ có mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng có quy mô vốn và tài sản là rất lớn. Hiện nay nếu đến cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tổng tài sản là 14 triệu tỉ đồng, đến tháng 3.2022 lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng, tín dụng 12 triệu tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn