MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí mong muốn hỗ trợ cho trẻ em dưới 6 tuổi ở các hộ gia đình nghèo được học mẫu giáo. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội muốn phân bổ vốn hỗ trợ cho trẻ em nghèo được học mẫu giáo

CAO NGUYÊN - PHẠM ĐÔNG LDO | 16/01/2024 16:09

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị phân bổ lại kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để có kinh phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đi mẫu giáo vì "không nuôi con gì bằng nuôi con người, không có việc trồng cây gì bằng trồng người".

Nhiều con gia đình nghèo không được học ở các cơ sở nuôi dạy trẻ đạt tiêu chuẩn

Chiều 16.1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, đây là nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tại các Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 108 của Quốc hội khóa XV.

Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận thấy quy định như dự thảo nghị quyết rất thông thoáng về phân bổ vốn. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện để thực hiện các tiểu dự án của chương trình.

"Nếu qua nhiều cấp như vậy thì liệu có mất nhiều thời gian quá không. Trong khi đó, nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 18.1.2024 cho đến khi có quy định mới", đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ban quản lý các chương trình sắp xếp kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các cháu dưới 6 tuổi thuộc các hộ gia đình nghèo được học mẫu giáo. Bởi theo đại biểu, rất nhiều con của gia đình nghèo là công nhân, nông dân, người có công việc không ổn định nên thu nhập rất thấp. Vì nhà nghèo quá mà nhiều cháu không được học ở các cơ sở nuôi dạy trẻ đạt tiêu chuẩn, có thể bị ăn đói, ngủ rét, thậm chí bị đối xử thô bạo...

Đại biểu cho biết, các chương trình mục tiêu quốc gia thường được xây dựng nội dung khá rõ ràng và vốn đã được phân bổ phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu "không nuôi con gì bằng nuôi con người, không có việc trồng cây gì bằng trồng người".

"Việc cần nhất là xây dựng cho được thế hệ con người khỏe mạnh, sung sức để xây dựng đất nước phát triển lâu dài", đại biểu nói thêm và đề nghị phân bổ lại kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để có kinh phí cho các cháu được đi nhà trẻ.

Đóng góp ý kiến, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra.

Nhưng bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cũng còn những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...

Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu đề nghị, cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.

Đại biểu Mai Văn Hải phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ động tháo gỡ vướng mắc trong pháp luật bằng cơ chế đặc thù

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội thường xuyên thông qua các nghị quyết về cơ chế đặc thù.

Theo đại biểu, các cơ chế đặc thù này thường cho phép các đối tượng thực thi được thực hiện phương thức hành động khác với quy định của pháp luật hiện hành, để bỏ qua một số khâu không cần thiết, bỏ qua một số quy định vướng mắc chưa phù hợp để đẩy nhanh tiến độ công việc.

Việc sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt, chưa có cơ chế đặc thù nào mang lại tác động xấu.

Đại biểu nêu rõ, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng hiện nay, sẽ nảy sinh rất nhiều mối quan hệ mới, vấn đề mới. Chính vì vậy, trong tương lai, sẽ còn nhiều điểm bất cập về pháp luật cần được khắc phục bằng các cơ chế đặc thù.

Đại biểu cho rằng, không nên chờ đợi các địa phương, các ngành, các lĩnh vực thấy vướng mắc rồi đề xuất cơ chế đặc thù, mà cần chủ động đưa ra cơ chế, phương thức để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc trong pháp luật bằng các cơ chế đặc thù.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn