MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội nhận được thông tin "xấu độc", trách nhiệm xử lý thế nào?

PHẠM ĐÔNG LDO | 08/09/2022 11:27
Điểm mới của Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) lần này có bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi nhận được thông tin xấu, độc, không rõ nguồn gốc về nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Quy định trường hợp ĐBQH nhận được thông tin xấu, độc

Sáng 8.9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Trình bày nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, những điểm mới cơ bản của lần sửa đổi này, trong đó có bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin xấu, độc, không rõ nguồn gốc về nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Theo đó, dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định trường hợp đại biểu Quốc hội nhận được thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp thì có trách nhiệm thông báo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Các đại biểu dự hội nghị.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho hay, có ý kiến tại Thường trực Ủy ban này đề nghị làm rõ thông tin "xấu, độc "về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp” để có cách hiểu thống nhất cũng như có căn cứ xem xét trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin "xấu, độc".

Vẫn liên quan đến trách nhiệm của đại biểu, dự thảo bổ sung quy định trong quá trình thảo luận, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận với đại biểu Quốc hội đã phát biểu để làm rõ hơn các vấn đề thảo luận. Khi tranh luận, đại biểu Quốc hội phải bảo đảm tính xây dựng, đúng trọng tâm nội dung phiên họp, có thái độ tôn trọng các đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Tại mỗi phiên họp, đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất trong thời gian không quá 7 phút, phát biểu lần thứ hai trong thời gian không quá 3 phút; mỗi lần tranh luận trong thời gian không quá 3 phút. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra mỗi lần giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thời gian không quá 10 phút.

Điểm mới nữa của lần sửa đổi này là có thể kéo dài thời gian thảo luận của phiên họp. Việc này để số đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận tại phiên họp đó trong trường hợp sau khi đã giảm thời gian phát biểu của mỗi đại biểu Quốc hội mà thời gian còn lại của phiên họp vẫn không đủ để tất cả số đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận về nội dung của phiên họp đó.

Như vậy, thời gian phát biểu được giữ nguyên, song quy định về thời gian đại biểu nêu chất vấn đã giảm từ không quá 2 phút xuống 1 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn không quá 3 phút/1 câu hỏi (giảm 2 phút/câu hỏi).

Tạo điều kiện để cử tri đăng ký dự thính phiên họp Quốc hội

Về thời gian tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị không quá 3 phút để nói rõ vấn đề, nói quá ngắn sẽ không nói hết vấn đề, bởi những vấn đề tranh luận thường phức tạp, gay cấn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc mời thêm Chủ tịch UBND các tỉnh thành dự các phiên chất vấn. Nếu làm được điều này chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn Thừa Thiên Huế - đề nghị bổ sung quy định về việc Trưởng Đoàn ĐBQH không thể tham dự thì báo cáo ai? Với quy định về việc vắng mặt tổng số 2 ngày trở lên phải báo cáo bằng văn bản, thì 2 ngày đó là 2 ngày liên tiếp, hay 2 ngày trong cả kỳ họp?

Khoản 5 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết quy định: “Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội”.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu.

Đại biểu cho rằng, quy định này là cần thiết, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, đưa Quốc hội đến gần dân, gần cử tri cả nước hơn.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội hướng dẫn quy trình, thủ tục, đồng thời công khai rộng rãi để cử tri nhân dân nắm bắt, đăng ký tham dự theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn