MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Nam Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội nói về 28 cán bộ thanh tra bị xử lý hình sự

PHẠM ĐÔNG - NGÔ CƯỜNG LDO | 07/11/2023 16:23

Dẫn chứng 30 cán bộ thanh tra bị kỷ luật, 28 trường hợp bị xử lý hình sự, đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến nói về tình trạng cán bộ thanh tra vi phạm, thiếu đạo đức công vụ, dẫn đến thực trạng "Chân mình thì lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra

Chiều 7.11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, Nghị quyết Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội có yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra cho biết, Thanh tra Chính phủ đã có những giải pháp như nào để triển khai nghị quyết trên của Quốc hội và hiệu quả của những giải pháp này trên thực tế?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao phòng chống tiêu cực, kiểm soát quyền lực của lực lượng thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ phối hợp xây dựng đề án quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp xây dựng báo cáo thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Trên cơ sở đó, Ban Bí thư cũng ban hành Quy định 131 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Hơn một năm qua, Thanh tra Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, đã chỉ đạo toàn ngành thanh tra nâng cao chất lượng, phòng chống tham nhũng tiêu cực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; xử nghiêm các hành vi vi phạm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

"Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người"

Đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nói về tình trạng cán bộ thanh tra vi phạm, thiếu đạo đức công vụ, dẫn đến thực trạng "Chân mình thì lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Đại biểu dẫn chứng, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2023 đã có 30 cán bộ thanh tra bị kỷ luật, 28 trường hợp bị xử lý hình sự.

Trả lời vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, quan điểm của Thanh tra Chính phủ là khi xảy ra tiêu cực ở cấp thanh tra nào thì xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Về giải pháp, với tinh thần phòng ngừa từ sớm, từ xa, tăng cường kiểm soát quyền lực, Thanh tra Chính phủ đang chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; ban hành các thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền; chuẩn hóa quy trình thanh tra.

Với câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về việc thanh tra dự án đầu tư công không hiệu quả, chậm tiến độ…, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ quy định nội dung này là thanh tra thường xuyên; phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, tập trung thanh tra dự án đầu tư công không hiệu quả; dự án điện, than; dự án chậm đưa đất vào sử dụng.

Hiện nay các địa phương đang thực hiện thanh tra các nội dung này. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ đôn đốc các bộ ngành, địa phương báo cáo kết quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn