MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà ở xã hội Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

Đại biểu Quốc hội nói về nguyên nhân khó vay gói 120.000 tỉ đồng

PHẠM ĐÔNG LDO | 25/05/2024 07:10

Đại biểu Quốc hội cho biết, đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phải là các dự án đầu tư nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội. Thế nhưng, hầu như các dự án chưa đủ các điều kiện để triển khai đầu tư thì đương nhiên chủ đầu tư không thể vay được nguồn tiền này.

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 25.5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Các đại biểu xem clip về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, sau đó thảo luận ở hội trường về nội dung này. Thành viên Chính phủ có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bên lề Kỳ họp thứ 7, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, có một số chương trình Nghị quyết 43 triển khai chậm, điển hình như gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng, lãi suất 2%.

Theo đại biểu, rõ ràng mục tiêu rất đúng và doanh nghiệp đều rất kỳ vọng có được một nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất thấp hơn trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ này kèm theo điều kiện doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi. Trong khi đó, qua giai đoạn dịch COVID-19, nhiều khó khăn của doanh nghiệp và khả năng phục hồi trong ngắn hạn là chưa thể nhìn rõ, đặc biệt những doanh nghiệp còn vướng vào những vốn vay cũ chưa được hoàn trả.

Chính vì vậy, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này cũng không cao. Hơn nữa, chỉ mức lãi suất hỗ trợ 2% nhưng những thủ tục thanh kiểm tra, hậu quá trình giải ngân thì doanh nghiệp cũng e ngại nên cả điều kiện tiếp cận và nhu cầu tiếp cận cũng hạn chế nên kết quả rất thấp.

Theo đại biểu, chúng ta đưa ra một chương trình hỗ trợ nhưng chúng ta lại đưa ra một số những quy định ràng buộc quá chặt chẽ và không khả thi, dẫn đến hiệu quả thực hiện chính sách không cao.

Điển hình như gói 120.000 tỉ đồng, đối tượng phải là các dự án đầu tư nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội. Thế nhưng trong thời gian vừa qua, hầu như các dự án chưa đủ các điều kiện để triển khai đầu tư thì đương nhiên chủ đầu tư không thể vay được nguồn tiền này.

Cùng với đó, mức lãi suất ưu đãi hơn 8%, mức này không hẳn là đã thực sự là ưu đãi, nhất là trong bối cảnh hiện nay lãi suất ngân hàng nói chung đang giảm khá thấp và thời gian vay không phải là quá dài, nên cũng chưa thật sự hấp dẫn.

Tham gia vào quá trình giám sát Nghị quyết 43, đại biểu thấy rằng, đã có những cơ chế đặc thù để cho phép thực hiện chương trình hỗ trợ này được nhanh nhất, hiệu quả nhất đến với các ngành, lĩnh vực cần phải phục hồi.

Tuy nhiên, quá trình vận dụng những cơ chế đặc thù đó hoặc những cơ chế chính sách sẵn có cho triển khai dự án, đôi khi vẫn còn rụt rè, chưa quyết liệt, cũng có biểu hiện chưa dám thực sự chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Cho nên, có nhiều dự án chậm là đương nhiên.

Do vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có một thay đổi trong việc ban hành cơ chế, chính sách. Chúng ta không nên đưa ra chính sách kèm theo các điều kiện ràng buộc quá cụ thể, đôi khi không phù hợp với thực tiễn.

Quan trọng nhất khi đưa ra chính sách phải đưa ra mục tiêu, các tiêu chí đo lường. Còn quá trình triển khai thực hiện nên giao cho các cơ quan thực thi để các cơ quan này đưa ra các phương thức thực hiện.

Tuy nhiên, kèm theo đó là yêu cầu phải thực hiện cơ chế giải trình công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về quyền quyết định của họ. Quan trọng nhất là kết quả đầu ra có đạt được mục tiêu của chính sách hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn