MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội trăn trở tiến độ chậm, tỉ lệ giải ngân gói hỗ trợ thấp

CAO NGUYÊN - PHẠM ĐÔNG LDO | 25/05/2024 13:37

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh việc chậm, muộn ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.

Chỉ rõ nguyên nhân giải ngân chậm

Sáng nay (25.5), kỳ họp thứ 7 tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) yêu cầu làm rõ thêm nguyên nhân của việc tiến độ giải ngân chậm.

Vị đại biểu này cho rằng, trong Báo cáo giám sát đã phân tích rất rõ về những mặt tích cực, chỉ rõ một số hạn chế như tiến độ giải ngân chậm.

Tuy nhiên cần phải phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên. Nếu chỉ rõ được từng lý do gây ra tiến độ giải ngân chậm thì sẽ đưa ra được giải pháp cụ thể hơn.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, còn tình trạng văn bản hướng dẫn một số chính sách chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỉ lệ giải ngân thấp.

Theo đại biểu Dung, việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu, đây là nỗ lực rất lớn và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố.

Nghiêm túc kiểm điểm, hạn chế mới không lặp lại

Tuy nhiên, đại biểu Dung cho rằng qua thực tế triển khai thực hiện cũng như nghiên cứu báo cáo và phụ lục kèm theo cho thấy, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn có những bất cập, tồn tại hạn chế.

Trong đó, đáng chú ý là việc xây ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Đơn cử như chính sách tiền thuê nhà cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quốc hội.

“Có địa phương, đối tượng thụ hưởng chính sách này lên tới hàng trăm nghìn người, cần có thời gian tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải quyết. Do đó, còn nhiều người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng hết thời gian thực hiện chính sách nên không được hưởng”, nữ đại biểu nêu rõ.

Bên cạnh đó, có địa phương ban hành thêm điều kiện được hưởng, thêm danh mục hồ sơ đề nghị hưởng chính sách, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người lao động và tạo tâm lý cho họ không muốn làm thủ tục đề nghị hưởng chính sách.

Cùng với đó là tình trạng văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đại biểu Dung nhấn mạnh việc chậm, muộn ban hành văn bản quy phạm pháp luật này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.

“Quốc hội tiếp tục giám sát việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong các tồn tại, hạn chế đã nêu. Chỉ khi nghiêm túc kiểm điểm, thì những hạn chế, tồn tại mới không lặp lại, nhất là việc chậm, muộn ban hành văn bản”, đại biểu Dung đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn