MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thảo luận tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Diên Hồng

Đại biểu Quốc hội tranh luận về việc bỏ danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ

Đặng Chung - Trần Vương LDO | 28/10/2021 10:48

So với quy định hiện hành, dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với nhạc sĩ, phát thanh viên. Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng không nên bỏ xét tặng danh hiệu này đối với nhạc sĩ.

“Không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để nghệ sĩ, ca sĩ thể hiện”

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2, sáng 28.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Phát biểu từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến việc dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT).

Theo đại biểu Ánh, bà nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, nhưng vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sĩ. Lý do là nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo, nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện.

Nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng phải khẳng định rằng, họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo…

“Nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT” - đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh và đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như quy định hiện hành.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc. Nếu nhạc sĩ có tác phẩm hay, xuất sắc, được ghi nhận thì sẽ được trao tặng các giải thưởng này. 

Còn với danh hiệu NSND, NSƯT là tặng cho sự nghiệp, cho người biểu diễn nghệ thuật. Trong trường hợp nhạc sĩ cũng tham gia biểu diễn thì có thể được xét tặng danh hiệu này, còn  ngược lại khi không nên xét tặng.

Khen thưởng phải bảo đảm chính xác, tránh cào bằng

Cũng trong phiên thảo luận sáng 28.10, nhiều ý kiến của đại biểu nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng trong luật phải bảo đảm chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) kiến nghị tiếp tục rà soát cải tiến hồ sơ thủ tục; mở rộng thêm các trường hợp được xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản.

“Đề nghị bổ sung thêm hình thức thi đua đã rõ thành tích, công trạng thì tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp quyết định hình thức khen thưởng, không nhất thiết mọi việc phải thông qua Hội đồng thi đua-khen thưởng”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) thì cho rằng dự án luật sửa đổi phải bảo đảm thi đua mang ý nghĩa thực chất, tránh trình trạng hành chính hóa trong hoạt động thi đua; phải bảo đảm thi đua mang mang tính chất tự nguyện, tự giác để phát huy tối đa được sức mạnh của tập thể, cá nhân trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc và tương tự, khen thưởng cũng vậy, khen thưởng phải kịp thời, đúng đối tượng, thực chất và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật tiếp tục nghiên cứu rà soát về phạm vi, đối tượng, thẩm quyền phát động thi đua để khuyến khích, huy động các cấp, các ngành, mọi tầng lớp tham gia hiệu quả vào các phong trào thi đua.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, việc sửa đổi luật lần này cần phải khắc phục được bệnh hình thức, tránh cào bằng, tình trạng nể nang trong bình bầu thi đua; cùng với đó, cần quan tâm xây dựng các quy định cụ thể để khuyến khích, kịp thời khen thưởng cho người lao động trực tiếp, khen thưởng về những thành tích đột xuất đối với tập thể và cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn