MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày tờ trình xây dựng về Luật Bản dạng giới. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Đại biểu Quốc hội trình đề nghị xây dựng luật về chuyển đổi giới tính

PHẠM ĐÔNG LDO | 10/04/2023 13:00

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình xây dựng Luật Bản dạng giới, trong đó nhấn mạnh quyền được chuyển đổi giới tính của công dân.

3 chính sách được thể hiện trong xây dựng luật

Tại phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10.4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới.

Về khái niệm, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật quy định cụ thể về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới.

Đồng thời, chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới, dẫn đến việc thu thập số liệu về người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.

Đại biểu cho biết, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới nam và nữ. Theo đó, luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền, thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.

3 chính sách được thể hiện rõ là quyền chuyển đổi giới tính của công dân; quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân và quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, ngày 9.4.2023, Chính phủ có văn bản số 113/CP-PL tham gia ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới của đại biểu Quốc hội.

Chính phủ cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính là cần thiết để góp phần thể chế hóa một số nội dung liên quan đến quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về tiến độ, theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vào tháng 3.2023; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024); trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025).

Không nên vì khó, nhạy cảm mà né tránh

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, xác định lại phạm vi điều chỉnh của luật, tập trung vào vấn đề chuyển đổi giới tính.

Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất việc đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến về đề nghị xây dựng Luật và phân công Bộ Y tế, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với đại biểu trong quá trình xây dựng dự án Luật; đề nghị Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp hỗ trợ đại biểu trong việc hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn rằng đây là dự án luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, ban hành luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Phát biểu về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ ủng hộ đại biểu Quốc hội có sáng kiến lập pháp. Sau khi tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan, nhìn chung phạm vi điều chỉnh cũng như sự cần thiết của luật tương đối rõ.

Theo ông Cường, không nên vì dự án luật khó, nhạy cảm mà né tránh. Vấn đề này hiện nay cũng tương đối cởi mở. Nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thì vướng cả về thể chế và thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự trân trọng đề xuất xây dựng luật của đại biểu Quốc hội. Do còn ý kiến khác nhau và thời gian vẫn còn nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan, đại biểu Nguyễn Anh Trí và Chính phủ chuẩn bị thêm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn