MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bản Tuyên ngôn Độc lập mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, mở ra chặng đường xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới. Ảnh: Sơn Tùng

Đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng Việt Nam hùng cường

VƯƠNG TRẦN (thực hiện) LDO | 02/09/2021 07:00
GS-TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, qua nghiên cứu có thể thấy rằng, Bản Tuyên ngôn Độc lập được coi như văn kiện lịch sử vô giá, thiên cổ hùng văn, tuyên ngôn lập nước Việt Nam thời hiện đại, kế tục những truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha ta qua các thời đại Đinh, Lý, Trần, Lê…

Mở đầu tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn ra những tư tưởng lớn của cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1791, dẫn tới quyền của dân tộc Việt Nam và con người Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, mở ra chặng đường xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời khẳng định đanh thép: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy! 

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, khát vọng về xây dựng đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu, “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” luôn là nỗi niềm, là mong muốn khôn nguôi của Bác. Đó cũng chính là nỗi niềm chung, mong muốn chung của cả dân tộc, là cái đích mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu đạt tới. 

GS-TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương 

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, từ Bản Tuyên ngôn lịch sử năm ấy, suốt 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giữ vững nền hoà bình, độc lập và tự do đã giành được. Đồng thời, nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước để tạo dựng được cơ đồ, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

* PGS-TS Lê Quốc Lý (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, nhìn lại lịch sử đầy thăng trầm của nhân loại trong thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI, mỗi người Việt Nam càng thêm tự hào bởi “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” mà dân tộc Việt Nam đã tạo dựng và vun đắp trong bối cảnh đầy thách thức ấy. 

Phân tích những điểm cụ thể, PGS-TS Lê Quốc Lý cho rằng, cơ đồ đất nước được biểu hiện trên một số điểm cơ bản. Đó là, đất nước ta độc lập thống nhất, bảo vệ được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giành lại đất nước, giành lại độc lập, tự tạo dựng quốc gia độc lập dân tộc và cho tới ngày nay đang có nhiều bước phát triển.

Cùng với đó, đất nước ta ngày càng mạnh lên cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đời sống của nhân dân. Đúng như mong muốn của Bác Hồ đó là “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước được nâng lên tầm cao mới. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ rất thấp thì ngày nay, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia có trình độ, quy mô dân số gần 100 triệu người, thuộc nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp. Theo các báo cáo thống kê, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỉ USD, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN. Quy mô nền kinh tế. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Về quan hệ đối ngoại, cho đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 trên 193 nước thành viên của LHQ, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước. Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, với việc ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP, EVFTA... Qua đó tạo động lực to lớn cho phát triển. 

“Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” đã đạt được qua bao sóng gió của thời cuộc đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là sáng suốt, là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” - PGS-TS Lê Quốc Lý khẳng định.

* Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 để lại cho chúng ta nhiều bài học. Trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào nhân dân làm nên thắng lợi, vượt qua mọi khó khăn. Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Việt Nam đã từng đánh thắng những đế quốc lớn bằng nghệ thuật quân sự Việt Nam, bằng chiến tranh nhân dân Việt Nam, bằng truyền thống quật cường của nhân dân Việt Nam từ ngàn đời: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/Lấy trí nhân thay cường bạo”. Các trận đánh như Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh đã nói lên sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Đó là những đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.

Cũng theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trong tình hình hiện nay không chỉ có dịch bệnh, thiên tai cũng thế, đều rất khủng khiếp. Chúng ta vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong” để một lần nữa khẳng định sức mạnh của lòng dân. Và có sự đoàn kết, giúp sức của nhân dân chắc chắn, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đi tới thắng lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn