MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Cảnh Hoàng (HCV Toán quốc tế) đã xác nhận vào học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Nhị Lê

Đại học Bách khoa “hiến kế” giữ chân học sinh đoạt HCV Olympic

Đặng Chung (thực hiện) LDO | 29/07/2017 10:00
Để giữ chân được nhân tài, tạo điều kiện tốt nhất cho những học sinh đoạt huy chương vàng Olympic, PSG-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội "hiến kế", các trường trong nước nên trao học bổng, xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất. Nhà nước cần có chính sách, tạo điều kiện tối đa để các em phát huy tài năng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Những ngày qua cả nước đón niềm vui đoàn dự thi Olympic 2017 của Việt Nam “bội thu” vàng. Đã có 5 em xác nhận học tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Phía nhà trường sẽ tạo điều kiện ra sao để những học sinh này tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê của mình?

- Các trường đại học hàng đầu trong nước hiện nay đều có những đãi ngộ với các em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Các em sẽ được tuyển thẳng vào trường.

Năm 2017, Bách khoa Hà Nội đã xét tuyển được hơn 200 em đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Trong số này, đã có gần 90 em xác nhận nhập học. Khi có kết quả kỳ thi Olympic quốc tế 2017, chúng tôi rất vui mừng vì có 5 em đoạt huy chương. Đó là Nguyễn Cảnh Hoàng (HCV Olympic Toán quốc tế 2017); Đinh Anh Dũng, Tạ Bá Dũng, Trần Hữu Bình Minh (HCV Olympic Vật lý) và Phan Tuấn Linh (HCB Olympic Vật lý).

Ngay khi có kết quả, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ với các em. Chúng tôi rất muốn có một buổi gặp mặt, trước hết để chúc mừng, sau đó là lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em. Quan điểm của nhà trường là phải tạo điều kiện tốt nhất cho những tài năng này. Ví dụ, thầy cô dạy các em sẽ là những người giỏi nhất, trang bị phòng thí nghiệm tốt nhất để các em thể hiện tài năng của mình. Hiện Trường Đại học Bách Khoa cũng đã đầu tư xây dựng những phòng thí nghiệm không thua kém các trường đại học lớn trên thế giới.

Ngày 14.8 tới, khi sinh viên nhập học, chúng tôi dự kiến sẽ gặp 5 em đoạt huy chương vàng, bạc tại Olympic 2017 để trao “Học bổng tài năng”. Các em sẽ là người đầu tiên được hưởng học bổng này, dành cho những người đặc biệt xuất sắc trong học tập.

Hiện nay, 5 học sinh đoạt giải Olympic quốc tế đều chọn những ngành tốt nhất của Bách khoa Hà Nội, đó là ngành công nghệ thông tin và cơ điện tử. Đây đều là những ngành quan trọng, để đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0.

Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Nhưng cũng có một thực tế, phần lớn thí sinh đoạt “vàng Olympic” đều có mong muốn đi du học, sau đó nhiều người ở lại nước ngoài làm việc và nghiên cứu, thưa Phó giáo sư!

- Những học sinh có huy chương trong kỳ thi Olympic quốc tế đều có tố chất và năng lực rất tốt. Các em có quyền lựa chọn cho mình một nơi để phát huy năng lực. Dĩ nhiên, không giữ chân được người tài ở lại, điều đó rất đáng tiếc và lãng phí. Trong những năm trước đây, khi đất nước còn nghèo khó, chủ yếu học sinh giỏi được gửi sang Liên Xô và các nước Đông Âu, sau đó quay trở về cống hiến cho đất nước. Sau này, nhiều em lựa chọn đi du học bằng con đường tự túc, tự tìm kiếm học bổng của các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Năm nay, nhà trường vui mừng khi các học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải quốc tế lựa chọn học ở Đại học Bách khoa và một số đại học trong nước, nhưng tôi cũng không dám chắc đây có phải là “miền đất hứa” đối với các em không.

Tôi nghĩ nếu có cơ hội, những học sinh giỏi này sẽ muốn thử thách bản thân mình, tìm kiếm các cơ hội ra nước ngoài du học. Muốn cống hiến thì ở đâu cũng có thể cống hiến được, vì hiện nay thế giới phẳng. Muốn đóng góp thì có rất nhiều cách, dù có trở về hay không. Nhiều Việt kiều, nhà khoa học đang sống ở nước ngoài, những năm qua họ cũng có rất nhiều đóng góp cho đất nước, bằng những cách khác nhau.

Chẳng lẽ các trường đại học trong nước, cơ quan trong nước chưa phải là môi trường tốt nhất giúp các em đoạt huy chương Olympic phát huy được tài năng của mình?

- Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của chúng ta. Nhưng chúng tôi sẽ làm hết sức để giữ chân được các em. Trước mắt là đầu tư và liên kết với những phòng thí nghiệm hàng đầu, tạo điều kiện cho những tài năng này được nghiên cứu khoa học ngay năm đầu nhập học.

Chúng ta vẫn đang đối diện với tình trạng “chảy máu chất xám”. Một câu hỏi không mới, nhưng vẫn “nóng”: Giữ chân người tài khó không, bằng cách nào, thưa Phó giáo sư?

- Đó là bài toán khó, cần sự chung tay của cả xã hội. Trước hết, Nhà nước, các trường đại học phải có chính sách đầu tư để các em có thể phát huy được tài năng của mình. Tôi nghĩ nên có một chính sách bồi dưỡng nhân tài, chứ không nên “buông” các em tự bơi như hiện nay. Ví dụ, sau khi học hết THPT, những thí sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế có mong muốn đi nước ngoài du học, Nhà nước cũng nên tạo điều kiện, có định hướng lâu dài với những tài năng này.

Còn để giữ chân được người tài ở trong nước hay không, thì phải tạo ra môi trường học tập, làm việc tốt, phát huy được tố chất, năng lực của họ. Hiện nay chính sách này mới là đơn lẻ của các trường, chứ chưa đồng bộ. Nếu Nhà nước có chính sách đầu tư, tôi nghĩ sau này họ sẽ có trách nhiệm cống hiến cho đất nước.

Cảm ơn Phó giáo sư đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn