MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức khi sáp nhập huyện xã

PHẠM ĐÔNG LDO | 12/09/2022 12:52

Thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính, Đoàn giám sát cho biết sẽ đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, không cắt giảm ngay. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ việc sắp xếp tiết kiệm được bao nhiêu, việc phục vụ người dân có tốt hơn không?

Giảm 8 huyện, 561 xã

Sáng 12.9, đại diện đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Theo đoàn giám sát, giai đoạn 2019 – 2021, cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã sau sắp xếp. Trên cơ sở đó, cả nước đã giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện.

Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người.

Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

“Không cắt giảm ngay, đồng loạt các chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ đặc thù áp dụng đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp đồng thời có lộ trình cắt giảm phù hợp để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng cao, xã đặc biệt khó khăn ít nhất là cho đến hết năm 2025”, đoàn giám sát nêu.

Sắp xếp huyện, xã xong tiết kiệm bao nhiêu, phục vụ dân có tốt hơn không?

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi mục tiêu tinh gọn bộ máy thì tinh gọn thế nào? Tinh giản biên chế thì tinh giản được bao nhiêu? Vì sao đến nay còn tồn đọng nhiều thế?. Đồng thời dẫn chứng theo số liệu của đoàn giám sát, cho biết đến 2021 còn hơn 3.000 cán bộ cấp xã, mấy trăm biên chế cấp huyện sau sắp xếp “chưa giải quyết xong”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc đánh giá kết quả sắp xếp đơn vị hành chính để “rõ hơn cả về định tính, định lượng”. Làm rõ kinh phí tiết kiệm được từ việc sắp xếp là bao nhiêu vì số liệu trong báo cáo vẫn chưa rõ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu sắp xếp là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

"Sau khi sắp xếp thì chỉ tiêu đo lường đánh giá cái này thế nào trong mấy năm vừa qua. Rồi cuối cùng là người dân, phục vụ dân làm sao. Chỗ này tôi thấy chưa rõ lắm”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Dẫn chứng có những tỉnh sắp xếp nhiều như Cao Bằng, nhưng nơi có diện tích lớn như huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề: các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế phục vụ người dân sau sắp xếp có đáp ứng được không hay phải mở thêm điểm trường, điểm y tế xã?

“Trong khi bao nhiêu trụ sở, tài sản đang bỏ, không sử dụng được (do sắp xếp) thì phải bỏ thêm tiền làm mới là bao nhiêu. Rồi bài học gì rút ra cho giai đoạn sau. Có chỗ nào bảo thủ trì trệ không chịu làm không? Có chỗ nào nóng vội, ở đâu? Đó là ý quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội nhắc đến vấn đề sắp xếp đô thị. Dẫn chứng việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Chủ tịch Quốc hội cho hay, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, sau khi sắp xếp thì nhiều nơi chưa đạt 50% tiêu chí đô thị.

“Việc này đánh giá thế nào và giai đoạn sau làm việc này thế nào? Phải tránh tình trạng vỏ là phường nhưng ruột vẫn là xã”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ tiêu chí để sắp xếp những đơn vị hành chính như TP.Thủ Đức. Chủ tịch Quốc hội cho hay, TP.HCM đang đề nghị cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức vì cái áo chật quá. Hà Nội cũng đang chuẩn bị thành lập thành phố trong thành phố. Vậy căn cứ vào tiêu chuẩn, tiêu chí nào?

“Khi thành lập TP.Thủ Đức thì chúng ta nói tên là thành phố nhưng chỉ là đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Nhưng trước nó là 3 quận, giờ 3 quận nhập làm 1. Vậy nó là loại gì?”, Chủ tịch Quốc hội nói, và nêu liệu nghị quyết của đoàn giám sát có nêu vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn