MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đảm bảo quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân

Phong Linh LDO | 14/03/2023 16:11
Tham gia Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 14.3, đã có nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương khu vực phía Nam liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch giá đất.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Phong Linh

Nhiều ý kiến về thời gian ban hành bảng giá đất

Nội dung ban hành bảng giá đất là một trong những vấn đề thu hút được nhiều thảo luận tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại khu vực phía Nam vào sáng 14.3.

Đại diện tỉnh Tiền Giang cho rằng quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí vì bảng giá đất năm nay vừa ban hành thì đã chuẩn bị cho công tác xây dựng bảng giá đất của năm sau. Đề xuất cho vấn đề này, tỉnh Tiền Giang và Đồng Nai cùng kiến nghị có thể quy định hệ số kéo dài thời gian định kỳ để xây dựng bảng giá đất 5 năm.

 Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phong Linh

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư lại cho rằng giá đất 5 năm ban hành một lần như hiện tại thì đến cuối kỳ, giá đất thị trường biến động lớn so với giá Nhà nước ban hành, việc đền bù bị "vênh" dễ phát sinh khiếu kiện. Còn nếu ban hành hàng năm như dự thảo thì cũng còn loay hoay.

Vì vậy, ông Thư đề xuất 2 năm xây dựng một lần bảng giá đất, hoặc là địa phương nào có biến động 20% thì HĐND địa phương sẽ xây dựng điều chỉnh giá đất. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề xuất nghiên cứu điều chỉnh thời gian 2 - 3 năm thì sẽ phù hợp hơn.

Lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố phía Nam tham dự Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phong Linh

Bất cập trong đền bù, giải tỏa

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Phan Trung Hiền - Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề giá đất tính bồi thường nhằm giảm đến mức tối thiểu khiếu nại, khiếu kiện thì phải bổ sung nguyên tắc “công khai, minh bạch” trong các nguyên tắc định giá đất.

“Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng việc định giá đất là vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, việc sửa đổi quy trình định giá đất phải qua 2 bước. Bước đầu tiên là bước chuyên môn; Bước thứ hai là hành chính do UBND cấp tỉnh phê duyệt giá đất. Cả hai bước trên được tiến hành công khai, minh bạch để người dân có đất bị thu hồi và những người có liên quan giám sát” - ông Hiền nói.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai hiện tại còn điểm bất cập, nhất là tại khu vực ĐBSCL.

“Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp thiệt thòi. Trong khi đặc thù của ĐBSCL nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, nhưng không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp” - ông Trường đặt vấn đề.

 Đại diện TP Cần Thơ cho rằng vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai còn nhiều bất cập. Ảnh: Phong Linh

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị xem xét điều chỉnh lại đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp để hưởng hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Một số đại biểu khác tại khu vực phía Nam cũng cho rằng nên loại bỏ cụm từ “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” trong quy định này để Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện hơn.

Gắn quy hoạch đất đai với các quy hoạch khác

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các ý kiến đều là vấn đề nhân dân trong vùng quan tâm; chắc chắn là cơ sở khoa học và thực tiễn để xem xét sửa đổi Luật Đất đai.

Phó Thủ tướng khẳng định, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý Nhà nước, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân.

Trao đổi thêm về các ý kiến trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch đất đai với quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác. Theo đó, quy hoạch giao thông dẫn dắt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai.

"Giao thông đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, tạo hệ sinh thái mới về đô thị, thương mại, dịch vụ. Chúng ta phải sử dụng nguồn lực đất đai đầu tư cho hạ tầng và dùng hạ tầng để phát triển nguồn lực đất đai", Phó Thủ tướng nói.

Về tập trung đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng cần nghiên cứu kỹ, trên cơ sở phân tích, đánh giá khả năng chuyển đổi nền kinh tế, chuyển dịch lực lượng lao động, tác động của thiên tai, dịch bệnh…

Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên, văn hoá của các vùng, miền; vừa bảo đảm tính đa dạng, sự giao thoa trong chính sách quản lý, phân bổ đất đai, vừa bảo đảm quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn