MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng điều hành họp báo cung cấp thông tin định kỳ của Bộ Nội vụ ngày 19.3.2021. Ảnh: PV.

Đang thiếu quy định chuyển tiếp liên quan chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Trần Kiều - Phạm Đông LDO | 19/03/2021 19:26

Trao đổi xung quanh vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên nói riêng và viên chức nói chung, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, nên có quy định chuyển tiếp cho những người chịu quy định phát sinh từ thời điểm ban hành thông tư, chứ không phải hồi tố.

Chiều 19.3, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ.

Tại buổi thông tin, các vấn đề liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đặc biệt được báo chí quan tâm.

Bởi, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 4 Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy tại các trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) sẽ có hiệu lực từ 20.3.2021.

Theo quy định mới, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới có thể thăng lương, giữ hạng hay nâng ngạch.

Điều này gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các giáo viên vì cho rằng quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với họ là phát sinh thêm thủ tục hành chính, không cần thiết.

Đáng nói, quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với viên chức hiện nay được quy định trong Luật Viên chức 2010.

Luật yêu cầu, người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm (điểm b khoản 3 Điều 33).

Ông Trương Hải Long - Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức. Ảnh: PV

Thông tin trước báo chí tại cuộc họp, ông Trương Hải Long - Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho biết, đối với từng chức danh nghề nghiệp viên chức cụ thể, việc yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tương ứng được quy định tại Thông tư về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các Bộ quản lý viên chức chuyên ngành.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành để kịp thời rà soát, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định mới của các Bộ, ngành về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, việc phân cấp thẩm quyền đã được giao cho bộ, ngành quản lý viên chức trực tiếp.

Ngành, lĩnh vực quản lý viên chức nào thì phải có quy định cụ thể vị trí việc làm và xác định khung năng lực của viên chức ngành, lĩnh vực đó. Đương nhiên là phải trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ trước khi ban hành thông tư.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói: "Tất cả những cái hiện nay có vấn đề là đều do thiếu quy định về chuyển tiếp. Hiện nay có rất nhiều thông tư, văn bản quy phạm thiếu rất nhiều quy định chuyển tiếp".

Do đó, ông Thăng lưu ý Vụ Công chức - Viên chức khi làm các văn bản bao gồm cả nghị định và thông tư hết sức lưu ý có quy định về điều khoản chuyển tiếp.

"Ví dụ như người đang ở chuyên viên cao cấp bị thiếu chứng chỉ chuyên viên chính, chẳng nhẽ lại bắt đi học chứng chỉ chuyên viên chính. Vậy nên phải có quy định chuyển tiếp cho những người chịu quy định phát sinh từ thời điểm ban hành thông tư, chứ không phải hồi tố. Với người cũ áp dụng thế nào, người mới phải ra làm sao thì mới là hiện thực, là thực tiễn" - ông Thăng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn