MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Minh Khôi

Đánh giá tác động của các nền tảng xã hội trực tuyến đối với trẻ em

BẢO NGUYÊN LDO | 11/01/2024 16:45

Ngày 11.1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về trẻ em.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý vẫn còn không ít vấn đề đặt ra đối với công tác trẻ em đòi hỏi hành động quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ "trọng tâm của năm 2024 là hành động, tổ chức thực hiện".

Phó Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành cần xác định những việc quan trọng, cấp bách, thiết thực, với các điều kiện thực thi đầy đủ, đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội gắn với trách nhiệm, chỉ số đo đếm được.

Theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, số vụ việc trẻ em, người vị thành niên vi phạm pháp luật trong năm 2023 tăng 14%, có phương thức và thủ đoạn manh động, liều lĩnh.

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm pháp luật của trẻ em, người vị thành niên bị ảnh hưởng bởi các hành vi bạo lực, xâm hại trong gia đình, trách nhiệm của xã hội, nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị rà soát lại các văn bản, chính sách đã ban hành, thực tế triển khai, làm rõ trách nhiệm, "địa chỉ" tiếp nhận, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tạo chuyển biến thực sự đối với những vấn đề, tồn tại trong công tác trẻ em, như: Xâm hại, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, an toàn trên không gian mạng, tư vấn tâm lý, tình trạng sử dụng chất kích thích… Đây là những vấn đề ngày càng cấp bách, cần hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn.

"Chúng ta có luật, có chính sách, có chương trình, kế hoạch khá đồng bộ nhưng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ ra nguyên nhân là các chủ trương, chính sách chưa được các cấp, các ngành, xã hội quán triệt, nhận thức đúng đắn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em như một nhiệm vụ chính trị trung tâm đối với tương lai của đất nước.

Phó Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá thực chất, đo đếm được khi thực hiện các mục tiêu đặt ra trong công tác trẻ em cấp vùng, địa phương, một số ngành, lĩnh vực quan trọng (y tế, giáo dục, LĐTBXH), nguồn lực đầu tư… từ đó đưa ra giải pháp đúng đắn, căn cơ, cụ thể.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, các cơ chế, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải được rà soát, có mục tiêu rõ ràng, phân công trách nhiệm cho từng cấp, ngành kèm theo giải pháp, bố trí nguồn lực thực hiện, kiện toàn bộ máy tổ chức, chuẩn hoá nhân lực làm công tác trẻ em, nhất là cấp cơ sở.

Đồng thời, phát huy vai trò, cách làm sáng tạo cả các tổ chức, đoàn thể trong lắng nghe, giám sát và trực tiếp chăm lo, bảo vệ trẻ em, có sự "đặt hàng" của Nhà nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao các bộ, ngành nghiên cứu tiếp tục cải thiện công tác tư pháp đối với trẻ vị thành niên; cụ thể hoá các khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về cải thiện các nhóm chỉ số liên quan đến trẻ em trong phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần đánh giá tác động của các nền tảng xã hội trực tuyến đối với trẻ em; nghiên cứu tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, hoặc các chất kích thích khác đối với sức khoẻ thể chất, tâm thần của trẻ em. Rà soát thực trạng, nhu cầu sử dụng bể bơi, hồ bơi trong trường học, thiết chế văn hoá, thể thao tại cộng đồng…

"Trong năm 2024 chúng ta phải khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách tổng thể, bài bản, khoa học, kèm theo giải pháp... nhằm giải quyết cho được những tồn tại trong công tác trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần", Phó Thủ tướng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn