MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Dành gói tín dụng ưu đãi 20-30 nghìn tỉ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/12/2023 13:53

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỉ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.

Đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn

Sáng 22.12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam là nước đi sau trong việc phát triển công nghiệp văn hóa sau nhiều năm chiến tranh; các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam chịu sức cạnh tranh lớn.

Phát triển công nghiệp liên quan đến yếu tố sáng tạo, đến nhân tố con người, nhưng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với quốc tế.

Đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng gặp nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài.

Về tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, điều kiện, không gian phát triển công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, tiến bộ của nhân loại là không có giới hạn.

Các ngành công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.

Chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo.

Chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Sớm ban hành chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tạo điều kiện tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỉ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết nối chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và tổ chức sử dụng lao động; nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời (khi cần thiết) cho các doanh nghiệp, người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa gặp khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, một hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tin tưởng rằng, sau hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn