MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kết nối giao thông đồng bộ nhằm giảm khoảng cách và chênh lệch về hạ tầng giữa các xã thuộc địa bàn huyện Hoành Bồ trước đây với thành phố Hạ Long. Trong ảnh: Vịnh Cửa Lục - thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Dành hàng trăm tỉ đồng đầu tư phát triển hạ tầng sau sắp xếp huyện, xã

Vương Trần LDO | 02/05/2023 10:17

Việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị nhằm bảo đảm chất lượng đô thị đối với đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp; đánh giá, rà soát chất lượng đô thị của đơn vị hành chính đô thị sau khi thực hiện sắp xếp được các địa phương chú trọng.

Giai đoạn 2023-2030, trên cả nước sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã. Mới đây, Chính phủ đã có Tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc này.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã được thực hiện từ giai đoạn 2019-2021. Qua quá trình thí điểm, tổng kết đã cho nhiều kết quả quan trọng, là những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm đó là việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị nhằm bảo đảm chất lượng đô thị đối với đơn vị hành chính sau sắp xếp. Kết quả giai đoạn trước sẽ là kinh nghiệm cho giai đoạn này.

Về việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị sau sắp xếp ĐVHC qua 3 năm thực hiện, Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế mà còn là cơ hội để mở rộng không gian phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị, tạo cơ hội cho các đô thị có động lực phát triển. 

Trong giai đoạn 2019 - 2021, đã có 10 ĐVHC đô thị cấp huyện (gồm các thành phố, thị xã: Hoà Bình, Hải Dương, Hạ Long, Huế, Thủ Đức, Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Nghĩa Lộ và 149 ĐVHC đô thị cấp xã gồm 101 thị trấn và 48 phường được sắp xếp lại. Sau khi sắp xếp, diện tích toàn đô thị và quy mô dân số đô thị tăng lên so với trước. 

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị sau khi sắp xếp các ĐVHC đã được thực hiện theo quy định.

Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị, tổ chức thực hiện đầu tư phát triển đô thị bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị.

Việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị nhằm bảo đảm chất lượng đô thị đối với ĐVHC sau khi thực hiện sắp xếp; đánh giá, rà soát chất lượng đô thị của ĐVHC đô thị sau khi thực hiện sắp xếp được các địa phương chú trọng. 

Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư ước tính trên 5.500 tỉ đồng cho các dự án công trình trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, kết nối giao thông đồng bộ nhằm giảm khoảng cách và chênh lệch về hạ tầng giữa các xã thuộc địa bàn huyện Hoành Bồ trước đây với thành phố Hạ Long; 

UBND tỉnh Bắc Kạn đã trình HĐND tỉnh thông qua 3 nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường nội thị tại thị trấn Phủ Thông thuộc huyện Bạch Thông, thị trấn Đồng Tâm thuộc huyện Chợ Mới và thị trấn Yến Lạc thuộc huyện Na Rì với tổng mức đầu tư trên 320 tỉ đồng; 

Tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho một số xã có diện tích lớn sáp nhập vào thị trấn (như dự án nhà máy nước sạch quy mô 1.200 m3/ngày đêm, tổng kinh phí thực hiện 35 tỉ đồng ở thị trấn Mường Lát; dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn từ thị trấn Hồi Xuân, huyện huyện Quan Hóa đi thị trấn Ngọc Lặc); 

Một số đơn vị ở khu vực đồng bằng cũng được đầu tư đáng kể với hàng chục tỉ đồng/đơn vị cho việc phát triển hệ thống giao thông, điện, thoát nước, hạ tầng các khu dân cư như các thị trấn: Nga Sơn, Hà Trung, Tân Phong (thuộc huyện Quảng Xương), thị trấn Quán Lào (thuộc huyện Yên Định), các thị trấn: Thọ Xuân, Lam Sơn, Sao Vàng (thuộc huyện Thọ Xuân)... để phấn đấu đến năm 2025 đạt đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại V. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn