MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ĐB Phạm Đình Cúc, việc chứng minh tài sản tham nhũng hay không là trách nhiệm của cơ quan điều tra, kiểm sát chứ không phải của bị can, bị cáo. Ảnh: P.V

Đánh thuế tài sản nghi tham nhũng - không có cơ sở!

LÊ PHƯƠNG LDO | 01/06/2018 14:00
Sáng 31.5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Các nội dung như: Mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; giao Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản; đánh thuế hoặc thu hồi tài sản nghi tham nhũng;... nhận được nhiều quan tâm của đại biểu.

Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập

Theo ông Lê Minh Khái, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm.

Dự thảo luật cũng quy định về trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng. Theo đó, chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà quy định chung như đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chính phủ lựa chọn phương án có cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, để tránh việc phát sinh về tổ chức và biên chế, sẽ giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Trình bày thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan này lựa chọn phương án đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án mà Chính phủ lựa chọn.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Theo Uỷ ban Tư pháp, phương án này tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay.

Chừng nào chứng minh được tài sản bất hợp pháp thì mới được xử lý

Trao đổi bên lề cuộc họp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời nhằm mục đích nhận diện, phát hiện và xử lý tốt các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật nhưng ĐB bày tỏ băn khoăn về việc đánh thuế tài sản bất hợp pháp.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặc biệt băn khoăn việc đánh thuế với tài sản nghi tham nhũng vì cho rằng, việc này không có cơ sở. “Một lưu ý là có những loại tài sản không hề bất hợp pháp, nhưng người ta mong muốn không nói cho ai, đây là chuyện tế nhị. Ví dụ điển hình là có một người đem cho tài sản và người được nhận phải giữ bí mật, đây là giá trị về tinh thần và vật chất, như thế người được nhận phải khai báo như thế nào? Đây là câu chuyện người cho không muốn công bố danh tính, cũng như việc người ta đi làm từ thiện nhưng không công bố danh tính. Do vậy, nếu dựa vào việc tăng thêm tài sản để đánh thuế thì không phù hợp” - ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

Chung quan điểm, tại buổi thảo luận tổ chiều 31.5, ĐB Phạm Đình Cúc cho rằng, về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà giải trình không hợp lý thì dự án luật đưa ra hai phương án.

Nếu kết luận người kê khai không trung thực thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập gửi xác minh tài sản cho cơ quan thuế và yêu cầu đánh thuế 45% tài sản.

Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản bất minh hay không bất minh thuộc tránh nhiệm của cơ quan nhà nước chứ không phải người kê khai có trách nhiệm chứng minh theo pháp luật. “Theo tố tụng hình sự thì việc chứng minh là trách nhiệm của cơ quan điều tra, kiểm sát chứ không phải của bị can, bị cáo chứng minh mình có phạm tội hay tài sản đó của mình hay không” - ĐB Cúc nói.

Trao đổi về việc UBKTTƯ hay UBKT các cấp có thẩm quyền trong xử lý cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật. ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông rất hoan nghênh quy định này, và lẽ ra phải làm từ sớm thì sẽ không có chuyện tài sản cán bộ tẩu tán ra nước ngoài cả tài sản và con người. Đảng có toàn quyền về kỷ luật, vì khi vào Đảng là anh đã chấp nhận kỷ luật của Đảng. Nhưng chúng ta chưa thể chế hoá kịp thời việc kỷ luật này cụ thể hơn, ví dụ đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật, giả sử không có các biện pháp kịp thời ngay có thể dẫn đến người đó ra nước ngoài bằng nhiều cách.

“Đây là việc cụ thể hóa, chi tiết hóa kỷ luật Đảng và các biện pháp gìn giữ kỷ luật của Đảng để tránh các đảng viên vi phạm nhưng chạy trốn. Đây là áp dụng biện pháp mới chứ không phải kỷ luật mới và góp phần hỗ trợ các quy định pháp luật” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Dự thảo Luật Thể dục, thể thao (sửa đổi)

Sáng 31.5, Quốc hội nghe dự thảo và thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thể dục, thể thao (sửa đổi). Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày cho thấy, về đất đai dành cho thể dục, thể thao, một số ý kiến đề nghị bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu trong công nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, không nên bổ sung quy định này. Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH đề xuất 2 phương án như dự thảo.

Theo UBTVQH, hiện nay hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi). Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, luật phải cụ thể hóa những quy định bắt buộc để dạy bơi cho học sinh, ví dụ phải biết bơi mới được thi đại học.LÊ PHƯƠNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn