MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn). Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip

Nhóm PV LDO | 23/10/2023 15:13

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn); tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030 là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ

Chiều 23.10, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, ông Nguyễn Chí Dũng đã trình bày 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đầu tiên, ông Nguyễn Chí Dũng nhắc tới nhiệm vụ, giải pháp kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu... Phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế, đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách.

Quyết liệt cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập.

Thứ ba, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VPQH

Thứ tư, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông như hệ thống đường cao tốc theo tuyến Bắc - Nam và Đông - Tây, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại. Đổi mới phương pháp, cách làm để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp việc thực hiện cho cấp huyện.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn); tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030; nghiên cứu, xây dựng cơ chế để phát huy vai trò chủ đạo, động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024

Nhiệm vụ, giải pháp thứ sáu được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu đó là thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị; phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phát huy mạnh mẽ hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng.

Thứ bảy, quan tâm, phát triển văn hóa, xã hội, gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá và nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng.

Thứ tám, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ chín, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực; rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.

Thứ mười, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tình hình an ninh trật tự ở địa phương cơ sở.

Mười một, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mười hai, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, góp phần củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn