MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Dấu ấn của tầm nhìn Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc

PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH BẮC - HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ, BỘ QUỐC PHÒNG LDO | 19/05/2023 13:19

Chuẩn bị đầy đủ những tiền đề, điều kiện cần thiết cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một dấu ấn đậm nét nhất của tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Quá trình chuẩn bị công phu, đầy đủ về mọi mặt

Theo đúng quy luật khách quan - một chính quyền Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam đã ra đời sau cuộc cách mạng xã hội, nhưng công lao to lớn và trực tiếp chính là nhờ trí tuệ tuyệt vời, tầm nhìn xa trông rộng, là quá trình chuẩn bị hết sức công phu và đầy đủ về mọi mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong đó, trên cơ sở lý luận được tiếp thu từ học thuyết khoa học, cách mạng nhất của thời đại và từ thực tiễn khảo nghiệm của bản thân, Hồ Chí Minh đã tích cực, chủ động chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về mọi mặt (cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức) cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Trực tiếp là, vào giữa tháng 8.1945, khi được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Hồ Chí Minh đã quyết định họp đồng thời Hội nghị của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân.

Tại đó, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, có tính chất như “Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam” [1] do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã ra đời và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi trong vòng hai tuần lễ, chính quyền của phát xít Nhật và bè lũ tay sai đã bị đập tan.

Ngày 30.8.1945, Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã tuyên bố thoái vị, trao toàn bộ quyền bính, ấn kiếm quốc bảo cho Chính phủ Lâm thời, đánh dấu sự sụp đổ của bộ máy chính quyền nhà nước cũ, đồng thời mở đầu cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam kiểu mới - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Nhà nước mới ra đời nhưng chỉ có thể tồn tại và phát triển khi nhà nước đó hoạt động trên cơ sở hợp pháp, hợp hiến. Nắm vững nguyên tắc này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tạo ra những điều kiện cần thiết đó cho Nhà nước mới của mình.

Trong đó, công việc quan trọng đầu tiên là phải khẳng định nền độc lập vừa giành được bằng một bản Tuyên ngôn hùng tráng với tính thuyết phục cao. Đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, Hồ Chí Minh đã trực tiếp soạn thảo Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới.

Ngày 2.9.1945, thay mặt chính quyền nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới văn bản pháp lý về sự thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn độc lập nêu rõ, nhà nước mới là thành quả của quá trình gần một thế kỷ đấu tranh kiên cường, bất khuất với sự dũng cảm hy sinh của các thế hệ người Việt Nam. Một dân tộc như thế lại “gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[2].

Lý luận sắc bén, đanh thép và tính pháp lý đầy đủ đó, một mặt, khẳng định quyền bình đẳng của những nước tham gia chống phát xít trong đó có Việt Nam, theo tinh thần của Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn; mặt khác, còn có ý thức cảnh cáo Pháp - một nước Đồng minh đã ký vào tuyên bố của hai hội nghị trên phải tôn trọng cam kết của mình, không thể nấp dưới bóng Đồng minh để trở lại xâm lược Việt Nam.

Điều đó cũng có nghĩa, Tuyên ngôn độc lập được công bố ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám không chỉ có ý nghĩa khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn là văn bản pháp lý công bố trước thế giới về một nhà nước bất khả xâm phạm theo luật pháp và thông lệ quốc tế.

Tầm nhìn xa trông rộng, vượt thời đại

Bên cạnh đó, một nhà nước hợp pháp, hợp hiến phải là nhà nước do nhân dân bầu ra và được nhân dân thừa nhận, ủng hộ. Nhận thức rõ điều này, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh đã sớm có chủ trương và kế hoạch về bầu cử Quốc hội, thành lập chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp theo đúng ý nguyện của nhân dân.

Người viết: “Đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”[3]. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong bầu cử, như trình độ văn hóa của cử tri thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh nghiệm tổ chức bầu cử không có, cùng với đó là sự phá hoại quyết liệt của kẻ thù..., nhưng đầu năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra và thành công rực rỡ với sự đồng tình ủng hộ rất cao của quần chúng nhân dân, Quốc hội lập hiến đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 333 đại biểu được thành lập.

Và chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền nhà nước mới đã trở thành tổ chức đại biểu cho toàn dân quản lý điều hành đất nước, thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại; cùng với đó, biên chế, tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước mới từ Trung ương tới địa phương đã nhanh chóng được sắp xếp, củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động.

Ngoài ra, cùng với sự chuẩn bị cho sự ra đời của một nhà nước hợp hiến, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng, Nhà nước phải quản lý đất nước bằng pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế.

Vì vậy, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, khi chưa xây dựng được Hiến pháp mới và hình thành đồng bộ hệ thống pháp luật mới, Người đề nghị vận dụng những điều luật cũ còn tương đối phù hợp với tình hình mới, trừ bỏ những điều vi phạm hoặc trái với chủ quyền của nhân dân, đồng thời khẩn trương tổ chức soạn thảo Hiến pháp mới.

Trên tinh thần đó, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đạo luật cơ bản của quốc gia độc lập có chủ quyền đã nhanh chóng ra đời và được Quốc hội khóa I thông qua (ngày 9.11.1946). Sự kiện này một lần nữa khẳng định đầy đủ và rõ ràng hơn tính hợp pháp, hợp hiến của Nhà nước Việt Nam mới.

Trước Nhà nước hợp pháp, hợp hiến của ta, các thế lực thù địch âm mưu lợi dụng danh nghĩa Đồng minh vào xâm lược nước ta đã bị “vô hiệu hóa”; Nhà nước Việt Nam mới với tư cách người chủ sẵn sàng “tiếp đón” các “vị khách” ngoại quốc và thẳng tay trừng trị những kẻ tay sai phá hoại ở trong nước, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng - điều mà quân Đồng minh chưa bao giờ nghĩ tới. Đây là một việc làm cực kỳ nhạy bén và sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Lược lại toàn bộ tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đã cho thấy một tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, một tầm nhìn xa trông rộng, vượt thời đại và nhãn quan chính trị sắc sảo, nhạy bén của Hồ Chí Minh.

Những tố chất đó ở Người không những góp phần tạo nên một con người vĩ đại, mà còn góp phần đưa lịch sử dân tộc Việt Nam và cách mạng nước ta bước sang một trang mới. Tư duy, tầm nhìn và hành động đó của Người có tính chất vạch lịch sử, không những đáp ứng đúng yêu cầu của dân tộc Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, mà còn phù hợp với xu thế của thời đại.

---

[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 535.

[2] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4 , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr. 3.

[3] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr. 8.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn