MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tối 31.10.2022, tại Đại Lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thân mật mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà. Ảnh: TTXVN

Dấu ấn đậm nét ngoại giao Việt Nam năm 2022

Nguyễn Quang Khai (nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông) LDO | 22/01/2023 08:16
Ngoại giao Việt Nam năm 2022 mang dấu ấn đậm nét, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Hoạt động ngoại giao cấp cao dày đặc

Năm 2022, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang ở nhiều quốc gia và cuộc chiến Ukraina đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề, thế giới trở nên hỗn loạn và lâm vào tình trạng khủng hoảng, khó khăn chưa từng có.

Quan hệ quốc tế bị đảo lộn, các nước tìm cách sắp xếp, điều chỉnh lại quan hệ của mình với các nước. Ngoại giao Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn.

Trong một thế giới thay đổi vô cùng phức tạp như vậy, ngoại giao Việt Nam đã tiếp tục phát huy mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích dân tộc do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra và thu được nhiều kết quả tích cực. 

Có thể nói, năm 2022, ngoại giao nước ta đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét góp phần ổn định đất nước, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2022, chúng ta đã triển khai một loạt hoạt động đối ngoại ở tất cả các tầm cấp, từ Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đến ngoại giao nhân dân. Trong những năm gần đây, chưa bao giờ có nhiều hoạt động ngoại giao ở cấp cao như vậy.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10 đầu tháng 11.2022 là sự kiện quan trọng đặc biệt. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên cao nhất được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ở mức cao nhất ngay sau khi Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc một tuần.

Các cuộc hội đàm và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc diễn ra hết sức chân tình, tuyên bố chung và các thoả thuận hợp tác được ký kết tại Bắc Kinh đã góp phần tăng cường và phát triển tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đưa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển theo chiều sâu. Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Về cấp nhà nước, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc đã đạt kết quả hết sức tốt đẹp. Tất cả các nước đến thăm đều dành cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nghi lễ đón tiếp đặc biệt trang trọng ở mức cao nhất. 

Đặc biệt, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước, Hàn Quốc trở thành nước thứ 4 có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam sau Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm Lào, Campuchia, Philippines, Australia và New Zealand. Lãnh đạo tất cả các nước đến thăm đều dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, đồng thời bày tỏ sự coi trọng và mong muốn phát triến quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam. 

Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Campuchia, dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, hai nước hết sức coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết, sự tin cậy lẫn nhau trong "Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022". Nhiều thoả thuận hợp tác đã được ký kết trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, nông nghiệp, lao động, thông tin truyền thông, dân tộc và tôn giáo.

Lãnh đạo nước ngoài thăm Việt Nam

Cũng trong năm 2022, lãnh đạo cấp cao nhiều nước đã đến thăm Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio, Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Phó Tổng thống Nigeria Yemi Osinbajo, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm chính thức Việt Nam, ngày 13.11.2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Tất cả các chuyến thăm này đều rất quan trọng. Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres có một ý nghĩa đặc biệt do ông Olaf Scholz vừa đắc cử và Đức là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, còn ông António Guterres là người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Ngoại giao nhân dân cũng có nhiều hoạt động sôi nổi. Việc Hội đồng Hòa bình thế giới chọn Hà Nội là nơi triệu tập Đại hội lần thứ 22 của tổ chức tập hợp các lực lượng tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội là sự đánh giá cao vai trò quốc tế của Việt Nam.

Có thể nói, năm 2022, mặc dù thế giới có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định và lấy lại được đà phát triển ngoạn mục. Trong thành công này, ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của đất nước trên trường quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn