MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sáng 14.11.1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm và làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Mơ (Sông Bé). Ảnh: TTXVN

Dấu ấn đổi mới tư duy và hành động về chính trị

PGS-TS BÙI ĐÌNH PHONG - VIỆN HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC LÃNH TỤ CỦA ĐẢNG LDO | 23/11/2022 08:16

Trên nhiều cương vị lãnh đạo, người chiến sĩ cách mạng Võ Văn Kiệt đau nỗi đau của dân tộc, lo nỗi lo của dân tộc. 20 năm chống Mỹ kiên cường, chất “tính đảng”, “đảng viên cộng sản” thật sự trong con người ông thời cách mạng giải phóng dân tộc là “cái áo chống đạn”, đem lại những cách nghĩ, cách làm mới mẻ về chính trị ngay sau ngày thống nhất đất nước đến tận cuối đời.

“Vị Thủ tướng của người nghèo”

Quan điểm đổi mới như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư duy và hành động về chính trị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, được tóm tắt trong câu nói nổi tiếng của ông: “Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”[1].

Điểm tựa của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là lòng dân. Ông có những câu nói mang dấu ấn Võ Văn Kiệt như “mất dân là mất tất cả”[2]. Trong công cuộc đổi mới, ông lưu ý với Đảng: “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển”[3]. Ông được nhân dân gọi là “vị Thủ tướng của người nghèo”.

Tầm nhìn Võ Văn Kiệt là tin vào quy luật khách quan và sức mạnh dân tộc. Ông có cách nhìn đặc biệt, so sánh với các nước khi bàn về sự phát triển đất nước. Ông đau nỗi đau tụt hậu so với khu vực vì cách nghĩ, cách làm giáo điều, rập khuôn, máy móc. Khi nghe Lý Quang Diệu nói “năm 1975, Thành phố Hồ Chí Minh có thể cạnh tranh ngang ngửa với Bangkok; còn năm 1992, tôi nghĩ có lẽ nó đã tụt hậu 20 năm”[4], ông đau không thể tưởng được.

Cách làm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dựa vào đội ngũ trí thức với ý nghĩa là “nguyên khí quốc gia”. Kiên trì con đường thực hiện dân chủ dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, ông sớm tìm thấy động lực phát triển của đất nước là lòng yêu nước của con người Việt Nam, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, hòa hợp dân tộc. Đại đoàn kết là chung sức, đồng lòng, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, trong Đảng, ngoài Đảng, cố tìm mẫu số chung thay vì khoét sâu sự cách biệt, quy tụ thay vì loại trừ, vượt lên những khác biệt, kể cả khác biệt về chính kiến.

Ngay sau giải phóng miền Nam, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thực hiện ngay lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống bệnh hẹp hòi, quy tụ nhân tâm. Ông là số ít trong các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập hợp được rất nhiều trí thức, kể cả những người có quan điểm đối lập. Ông tổ chức nhóm nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy, đỡ đầu cho Nhóm Thứ sáu, lập tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính của Thủ tướng.

Thấu hiểu thống nhất nhân tâm là cội nguồn sức mạnh dân tộc, không phân biệt trí thức cũ với trí thức mới, ông đến với trí thức bằng sự chân thành và tinh thần thật sự cầu thị, cởi mở.

Ông nói: “Theo kinh nghiệm lịch sử thế giới và bản thân nước ta, nhất là qua những kinh nghiệm của Bác Hồ, thấy rằng trí thức tận tâm hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không tùy thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không?”[5].

Tư duy và cách làm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ được coi là “phá cách” nhưng lại phản ánh chân thực, rõ ràng tư tưởng Hồ Chí Minh về dùng người: “Ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”[6].

Hành động dấn thân, sống trong lòng dân

Giá trị trong cách nghĩ và cách làm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đổi mới chính trị toát lên một điều căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng nhân ái và tinh thần yêu nước nồng nàn của dân ta, những tiếng gọi thiêng liêng như “đồng bào”, “Tổ quốc”, con Lạc cháu Hồng.

Xuất phát từ sự chân thành vì lợi ích dân tộc và suy nghĩ trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại và phức tạp, không phải mình chỉ có đúng và luôn luôn đúng, mà mình có cái đúng, cái sai. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hành động dấn thân, sống trong lòng dân, tìm thấy ở đồng bào những phẩm chất quý như lòng tốt, sức dân, trí dân, khôn khéo, hăng hái, anh hùng.

Ông là một trong những nhà lãnh đạo nặng lòng với lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”[7].

“Chỉnh đốn lại” là mang tinh thần đổi mới. Xét đến cùng, điều day dứt lớn nhất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong đổi mới chính trị là phải đổi mới Đảng như thế nào? Trước sau như một, ông nhất quán quan điểm Đảng phải làm tốt vai trò lãnh đạo, nhất là lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, một cuộc biến đổi khó khăn nhất, sâu sắc nhất, một nhiệm vụ hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc.

Muốn vậy, Đảng phải đổi mới chính mình một cách triệt để với những nội dung căn cốt như Đảng lãnh đạo nhưng sự nghiệp cách mạng là của quần chúng. Phải thực hiện dân chủ trong Đảng. Phải hiện thực hóa có chất lượng khoa học và cách mạng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng ta là “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”[8].

[1] Những câu chuyện về anh Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), Nxb. Thông tấn, 2008, tr.5; [2] Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tỉnh ủy Vĩnh Long: Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2012, tr.81; [3] Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tỉnh ủy Vĩnh Long: Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, Sđd, tr.328; [4] Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tỉnh ủy Vĩnh Long: Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, Sđd, tr.327; [5] Thủ tướng Võ Văn Kiệt - cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, người sống mãi trong lòng nhân dân, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2012, tr.57-58; [6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.278; [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.616; [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.41.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn